Zvonimir Boban: Hơn cả một huyền thoại bóng đá

Bóng đá và chính trị vốn là hai khái niệm không được khuyến khích khi đi kèm với nhau. Nhưng có một người đàn ông vừa là một ngôi sao sân cỏ, vừa là một biểu tượng cho tinh thần dân tộc. Đó là Zvonimir Boban.

Cú đá mở ra chương mới cho cả một dân tộc

Với nhiều người, Boban không chỉ là một ngôi sao bóng đá, mà còn là biểu tượng cho tinh thần dân tộc và tự do của Croatia, với cú đá khởi đầu cho Chiến tranh giành độc lập tại đất nước vùng Balkan. Tất nhiên, một cầu thủ bóng đá không thể đơn độc kích hoạt cả một cuộc chiến nhưng Boban chính là người đã khơi lên cuộc bạo động giữa 2 nhóm CĐV, Dinamo Zagreb của Croatia và Sao Đỏ Belgrade của Serbia vào tháng 5/1990. Chính hành động này đã làm bùng phát sự thù địch bên trong Liên bang Nam Tư đồng thời đưa phong trào dân tộc của Croatia lên một tầng cao mới.

Để nói về câu chuyện của Boban và cú đá khơi màu cho cuộc chiến, không thể bỏ qua bối cảnh lịch sử, tình hình chính trị và xã hội khi ấy. Đó là những yếu tố khiến cho bầu không khí trận đấu giữa 2 CLB Sao Đỏ Belgrade và Dinamo Zagreb trở nên nóng bỏng hơn sức tưởng tượng.

Liên Bang Nam Tư được thành lập kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, với sự kết hợp về mặt địa lý của những dân tộc khác nhau bao gồm người Croatia, người Serbia, người Slovenia và người Montenegro. Sự pha trộn giữa các dân tộc và bản sắc này được kết nối bởi một người: Nguyên soái Josip Broz Tito.

Nhà Cách mạng và chính khách này chính là biểu tượng tuyệt đối của sự thống nhất, ổn định trong một Liên bang Nam Tư đa sắc tộc với những chính sách giúp duy trì sự hòa bình. Tito chính là kiến trúc sư trưởng cho một “Nam Tư thứ 2”, kéo dài từ năm 1943 tới những năm đầu thập niên 90. Sau cái chết của ông vào năm 1980, đất nước chìm trong hơn một thập kỉ căng thẳng leo thang và xung đột không ngừng dẫn đến sự tan rã của Nam Tư sau này.

Trong những năm 80, khi Nam Tư phải đứng trước ngã ba đường kể từ sau sự ra đi của Tito, bóng đá trở thành phương tiện lý tưởng để người Croat thể hiện lòng tự hào dân tộc của họ. Với nhiều NHM, SVĐ trở thành một chiến trường, nơi họ được trút bỏ sự thất vọng của bản thân về chính trị và xã hội. Họ hò hét, ca hát, giương cao những hình ảnh, cờ quạt và biểu ngữ, biến các khán đài trở thành những sàn đấu chính trị căng thẳng. Và đó chính xác là trường hợp xảy ra vào ngày 13 tháng 5 năm 1990 khi Sao đỏ Belgrade chạm trán Dinamo Zagreb trong một trận đấu mà nhiều người đều cho rằng đã thay đổi thay đổi thế giới.

Nhiều CĐV của Dinamo Zagreb là những người có tinh thần dân tộc rất cao và luôn sẵn sàng cho một cuộc xung đột để giành độc lập. Nhóm CĐV tích cực nhất được biết đến với cái tên Bad Blue Boys, trong đó gồm rất nhiều thành viên từng tham gia quân đội Croatia. Ở phía đối diện, nhóm Ultras của Sao đỏ Belgrade cũng có không ít người từng là thành viên của lực lượng vũ trang Serbia. Vì vậy, trong một SVĐ chật kín những người theo chủ nghĩa dân tộc và sẵn sàng manh động, một bầu không khí thù địch khó tưởng tượng được phủ kín các khán đài khi Dinamo Zagreb đối đầu Sao đỏ Belgrade. Những gì xảy ra sau đó chính xác là sự tàn độc và bạo loạn chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá châu Âu.

Trận đấu giữa Dinamo Zagreb và Sao Đỏ Belgrade chỉ diễn ra được khoảng 10 phút trước khi những hành động bạo lực và hỗn loạn xuất hiện trên khán đài. Các CĐV tấn công nhau trên khán đài rồi tràn cả xuống mặt sân. Boban phát hiện một cảnh sát đang cố gắng áp chế các CĐV quá khích người Croatia. Lòng tự tôn dân tộc khiến Boban sôi máu và tiền vệ này xông tới chỗ của viên cảnh sát, lên gối trúng vào mặt hắn ta.

Sau đó, cuộc ẩu đả diễn ra trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Cả SVĐ chìm trong bạo lực và khói lửa khiến khu vực xung quanh như rung chuyển. Một trong những âm thanh ám ảnh nhất về trận đấu này là khi Boban hét lên “Cảnh sát đâu? Bọn cảnh sát khát máu đâu rồi?”. Tất nhiên ông đang mỉa mai sự bất lực của lực lượng cảnh sát chiều hôm ấy khi biến một trận bóng đá thành một cuộc ẩu đả kinh hoàng.

“Đám hooligan từ Belgrade đã phá hủy SVĐ của chúng tôi. Cảnh sát lúc ấy rõ ràng là những tay đi theo chế độ đã không có chút phản ứng nào”, Boban đã nói như vậy trong phóng sự “Đội bóng Nam Tư cuối cùng” của Vuk Janic. Những lời này đã mô tả sự can đảm và cống hiến không ngừng của Boban, đưa ông vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngôi sao bóng đá. Ông trở thành người hùng dân tộc, một nhân vật đầy lãng mạn và mang đậm tính sử thi, trở thành người được tôn sùng. Thân là một ngôi sao bóng đá cũng như đội trưởng của Dinamo Zagreb, Boban còn nhận được sự kính trọng khi sẵn sàng sử dụng vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của mình để chiến đấu cho đất nước Croatia.

“Tôi ở đây – một gương mặt quen thuộc sẵn sàng mạo hiểm mạng sống, sự nghiệp và danh tiếng, tất cả chỉ bởi một lý tưởng, một nguyên do duy nhất: Lợi ích của người Croatia”, Boban dõng dạc nói sau khi đá viên cảnh sát.

Sự nghiệp huy hoàng cùng AC Milan

Cú đá ấy đáng lý có thể khiến sự nghiệp của Boban đi xuống nhưng may thay, ông vẫn có được một sự nghiệp cầu thủ bóng đá huy hoàng. Ông là một tiền vệ cực kì tài năng với kỹ thuật siêu hạng và óc sáng tạo ít ai sánh kịp. Đã từ lâu, tuyển trạch viên của các đội bóng mạnh trên khắp châu Âu đã để mắt tới Boban khi liên tục đến Croatia xem ông thi đấu. Vào năm 1991, AC Milan là đội chiến thắng trong cuộc chạy đua giành chữ ký của Boban với mức phí chuyển nhượng được cho là vào khoảng 8 triệu bảng.

Đó là một bước đột phá đáng kể cho sự nghiệp của Boban nhưng ông buộc phải đợi cơ hội để tỏa sáng ở San Siro. Boban phải tới Bari dưới dạng cho mượn để có thời gian làm quen với bầu không khí và phong cách chơi bóng tại Italia. Mùa giải 1991/92, Bari thi đấu cực đáng thất vọng và rớt xuống Serie B, song màn trình diễn của Boban tại đây được đánh giá rất cao. Dù gặp rất nhiều khó khăn, Boban vẫn chứng minh được tài năng của mình và thuyết phục HLV Fabio Capello đưa ông trở lại Milan. Như vậy, thay vì chinh chiến ở Serie B, ông sẽ được sánh cánh cùng những Ruud Gullit, Roberto Donadoni và Demetrio Albertini.

Bất chấp tầm vóc lẫy lừng của những đồng đội siêu sao ở thời điểm đó, Boban không hề choáng ngợp mà trái lại dần trở thành một mắt xích quan trọng trong đội hình được coi là cỗ máy chiến thắng hùng mạnh nhất của bóng đá Italia khi ấy. Boban đảm nhận vị trí tiền vệ con thoi, hợp cùng Albertini thành cặp đôi bất khả xâm phạm ở khu vực giữa sân. Nền tảng từ sự xuất sắc của bộ đôi này cùng hàng phòng ngự trứ danh đậm chất Italia đã giúp AC Milan lọt vào trận chung kết Champions League 1994 với Barcelona của huyền thoại Johan Cruyff.

Mặc dù không hoàn toàn vượt trội về chất lượng đội hình, đại diện cũng Serie A vẫn áp đảo một cách vượt trội trước đối thủ đến từ Catalan và tạo ra một trong những trận đấu hấp dẫn nhất trong lịch sử Champions League.

Milan đánh bại Barca với một màn trình diễn tự tin tới không ngờ. HLV Capello chọn Dejan Savicevic làm đối tác của Boban ở hàng tiền vệ và bộ đôi này đã tỏa sáng rực rỡ giúp Milan kiểm soát hoàn toàn khu vực giữa sân, tạo tiền đề cho màn vùi dập Barcelona 4-0. Boban – Savicevic được gọi là hai chiến binh Balkan và những khoảnh khắc thăng hoa của họ ở Athens đã giúp Milan có được một trong những chiến thắng vĩ đại nhất mọi thời đại.

Đối với Boban, đó là một đêm đầy cảm xúc khi nó diễn ra chỉ 4 năm sau vụ bạo loạn. Chính trị và bóng đá đã theo suốt sự nghiệp của Boban nhưng ông từ chối để cho chủ nghĩa dân tộc Croatia cản bước mình lên đỉnh cao nhất của sự nghiệp.

Boban và các đồng đội tại Milan đều chưa có ý định nghỉ ngơi trên đỉnh vinh quang mà sẵn sàng trở lại để thống trị bóng đá Italia. Sau chiến thắng tại Athens, Rossoneri giành thêm 2 Scudetto nữa vào các năm 1996 và 1999 với Boban là thành viên chủ chốt trong đội hình. Ông tiếp tục tỏa sáng dưới sự dẫn dắt của HLV Alberto Zaccheroni, cũng giống như đã từng làm được cùng Fabio Capello. Chức vô địch năm 1999 cũng là danh hiệu VĐQG cuối cùng của Boban, và ông giành được nó với tư cách đội trưởng của Rossoneri. Đó là phẩm chất khiến Boban trở nên đặc biệt hơn so với phần đông các đồng nghiệp. Ông luôn lăn xả và có phần hung hãn nhưng chưa bao giờ bị xem là một kẻ xấu chơi. Kỹ thuật cá nhân hoàn hảo cùng trái tim của một con sư tử kết hợp để giúp ông trở thành một chiến binh thực thụ.

Hành trình khó quên mùa hè 1998

Khác với những gì diễn ra ở cấp độ CLB, sự nghiệp thi đấu quốc tế của Boban lại trải qua không ít thăng trầm. Sau cú đá vào mặt viên cảnh sát năm 1990, ông bị Liên đoàn bóng đá Nam Tư trừng phạt bằng cách cấm lên tuyển trong 6 tháng, khiến ông lỡ mất cơ hội tham dự World Cup 1990 tại Italia.

Phải tới 8 năm sau, Boban mới có cơ hội phô diễn tài năng trước cả thế giới khi tham dự World Cup 1998 và là nhân tố quan trọng bậc nhất của một trong những đội bóng để lại ấn tượng sâu đậm nhất lịch sử giải đấu – Croatia. Trên đất Pháp, Croatia của Boban chỉ chịu dừng bước trước đội chủ nhà, sau đó là nhà vô địch ở bán kết và kết thúc giải đấu với tư cách đệ tam anh hào thế giới nhờ đánh bại Hà Lan ở trận tranh hạng Ba.

Cùng “sát thủ” Davor Suker, chân sút đã giành Chiếc giày vàng với 6 bàn thắng ở giải đấu năm đó và những tài năng nổi bật như Slaven Bilic, Igor Stimac, Dario Simic, Robert Prosinecki hay Aljosa Asanovic, Boban một lần nữa trở thành người hùng dân tộc. Trên sân, ông mang băng đội trưởng và dẫn dắt các đồng đội lần lượt vượt qua vòng bảng có Argentina, Nhật Bản và Jamaica, sau đó là Romania ở vòng 1/8 và Đức ở tứ kết.

Dẫu cho thất bại đầy đau đớn trước Pháp, World Cup 1998 vẫn đánh dấu một quãng thời gian viên mãn trong sự nghiệp của Boban. Thập niên 90 bắt đầu đầy ảm đạm với ông nhưng khi nó kết thúc, ông đã có 4 Scudetto, 1 Champions League và là đầu tàu của đội tuyển quê hương giành vị trí thứ Ba tại World Cup. Boban rồi cũng bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Khi Milan chiêu mộ Rui Costa từ Fiorentina, đó cũng là dấu chấm hết cho kỷ nguyên Boban ở sân San Siro với 9 năm gắn bó và ông chuyển đến Celta Vigo theo dạng cho mượn.

Đáng tiếc, thời gian chơi bóng tại Tây Ban Nha không thành công như Boban mong muốn khi ông chỉ được ra sân 4 trận. Sự nghiệp bóng đá của Boban đang đi đến hồi kết nhưng ông quyết đi tìm những con đường khác trong cuộc sống, điều mà nhiều cầu thủ lảng tránh. Sau khi treo giày, Boban lấy bằng đại học chuyên ngành lịch sử và viết luận văn về đề tài Thiên chúa giáo thời Đế chế La Mã.

Là một người ham đọc sách, cùng với sự thông tuệ và tinh thần cầu thị, ham học hỏi của mình, Boban trở nên khác biệt hơn phần đông giới cầu thủ. Đến nay, ông vẫn là nhân vật nổi bật trong làng bóng đá Italia, với những bài viết cho tờ Gazzetta dello Sport và là chuyên gia bình luận, phân tích chiến thuật của Sky Sports Italia. Những nhận định thẳng thắn và phong cách bình luận sắc sảo khiến Boban gây ra không ít tranh cãi nhưng ông không bao giờ né tránh bất cứ điều gì và chắc chắn không phải là người che giấu đi những cảm xúc thật của mình.

Boban vẫn là một biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc Croatia và là người hùng của CLB AC Milan. Ông xứng đáng được nhớ đến nhiều hơn chỉ đơn thuần là một vận động viên truyền cảm hứng cho người dân bằng hành động tấn công cảnh sát. Ông còn là một cầu thủ bóng đá xuất chúng. Với tài năng của mình, Boban đã có một sự nghiệp huy hoàng và là nhân tố chủ chốt của một trong những CLB vĩ đại nhất mọi thời đại.

Bài viết cùng chuyên mục