Serge Gnabry: Phía bên kia hành lang

Trên The Players’ Tribune, Serge Gnabry kể lại câu chuyện về hành trình sự nghiệp của mình, những khó khăn mà anh gặp phải để có được vị trí như hiện nay.

Tôi sẽ không bao giờ quên lần đầu tiên gặp Arsene Wenger. Năm đó tôi 16 tuổi, chính xác thì vừa bước sang tuổi 16. Lúc ấy tôi khá căng thẳng vì vừa rời Đức để gia nhập Arsenal. Rõ ràng xuất thân từ một ngôi làng khoảng 6.000 người đến một CLB lớn như vậy thì đúng là bước ngoặt đầu đời. Để tôi kể cho các bạn chuyện này. Tôi nhớ lần đầu tiên bay tới London thử việc, CLB cử một tài xế đến đón tôi cùng bố mẹ ở sân bay. Anh ấy lái một chiếc BMW màu đen và tôi lúc đó chỉ biết “Whoooaaa”.

Và hãy nhớ tôi tới từ Đức, nơi mà BMW xuất hiện khắp nơi. Chiếc xe phủ đen và tỏa sáng, tôi nhìn mẹ va nói: “Mình như đang ở trong phim ấy mẹ nhỉ”. Tôi nghĩ chúng thật tuyệt vời.

Dù sao tôi cũng đang kể về lần đầu tiên gặp Arsene… Tôi và bố mẹ bước vào văn phòng của ông. Và Arsene nói: “Chào mừng tới CLB, Serge. Cháu khỏe không?”. Tôi nhớ là mình không thể ngừng cười dù bạn biết suy nghĩ trong đầu lúc đó là: “Này, ngừng cười ngay. Làm ơn ngừng cười, thật xấu hổ quá đấy”.

Nhưng tôi không thể. Tôi không thể nói quá nổi 10 từ trong cả cuộc gặp gỡ. Tôi suy nghĩ: “Ôi Chúa ơi. Arsene Wenger biết tên mình”. Và tôi nhớ ông đang nói về cái hành lang. Ở khu tập luyện của Arsenal có một hành lang phân chia khu vực đội trẻ và đội một. Arsene bảo tôi phải không ngừng tập luyện chăm chỉ để bước sang bên kia. Tuy nhiên vấn đề là cách ông ấy nói. Và bỗng nhiên bạn được gặp tất cả những cầu thủ mà mình đã từng thấy nhiều lần trên TV. Bạn có thể thấy họ đi vào phòng thay đồ, tuy nhiên bạn vẫn chưa được vào đâu.

Để bước qua bên kia của hành lang, bạn phải làm việc chăm chỉ gấp đôi. Và khi Arsene đang nói chuyện, tôi có thể thấy gương mặt của bố tôi như đang biểu hiện suy nghĩ: “Tuyệt! Đúng là sự thật rồi! Nói với thằng bé đi, Arsene! Hãy nói với con trai tôi!”. Tôi không biết chuẩn từ tiếng Anh là gì, nhưng tôi đoán là trong trường hợp đó họ sẽ nói bố “hype” (phấn khích).

Tôi chỉ biết cười và gật gù nhưng khi đó thì bố tôi thì không ngăn được sự phấn khích. Bố nói to lên: “Đúng, tôi đã nói với thằng bé rồi, Arsene! Nó phải tập luyện chăm chỉ hơn nữa! Tôi đã nói với nó rồi!”.

Hahahaha. Khi đó tôi khá ngại và nghĩ: “Bố ơi! Bố đang nói cái gì đấy??? Bố làm ơn im lặng đi!!!!!”.

Bạn phải hiểu tính của bố tôi. Trong còn người tôi tồn tại 2 phần. Tôi rất rất tự hào về phần Đức xuất phát từ mẹ và họ ngoại tôi. Nhưng bố tôi thì có tính Bờ Biển Ngà rất mạnh. Bố tới Đức khi còn trẻ và tôi nghĩ điều giúp bố có góc nhìn khác trong cuộc sống. Khi tôi còn nhỏ, mỗi tối bố lại ngồi nói chuyện điện thoại với anh chị mình ở Bờ Biển Ngà suốt 2 tiếng đồng hồ. Điều đó giúp bố thư giãn. Nhưng đây là trước khi chúng tôi có điện thoại di động thôi. Khi tôi dùng điện thoại bàn ở nhà nói chuyện bạn bè, bố lại bước vào phòng tôi và bảo: “Serge, cúp máy đi!  Cô con sắp gọi đấy!”.

Khi đó, bạn sẽ nghe thấy bố nói chuyện bằng tiếng Pháp và cười suốt cả buổi tối ở phòng bên. Tôi không thể tưởng tượng những gì đã diễn ra với bố. Nhưng khi bạn có trải nghiệm của một người nhập cư cùng thế hệ với bố, chắc chắn tinh thần bạn sẽ khác. Một trong những điều bố mẹ bảo tôi khi tôi còn nhỏ là tôi phải luôn nỗ lực nhiều hơn người khác bởi màu da của mình.

Họ nói với tôi điều đó nhiều đến mức tôi phát ốm lên luôn, thật sự đấy. Chúng tôi sống ở một ngôi làng nhỏ ngoại ô Stuttgart và trong quá trình trưởng thành, tôi không có bất cứ trải nghiệm trực tiếp nào với việc bị phân biệt chủng tộc. Rõ ràng, diện mạo tôi có khác một chút so với đa số học sinh trong trường nhưng tôi không cảm thấy khác biệt gì.

Nhất là bố tôi, ông thường bảo tôi rằng: “Nếu con muốn được chấp nhận, con phải cho họ thấy con sẽ nỗ lực gấp đôi. Con sẽ không bao giờ được để họ nghĩ rằng con là thằng lười”.

“Nỗ lực gấp đôi, nỗ lực gấp đôi”. Đến giờ tôi vẫn nghe thấy lời bố nói.

Chúng tôi từng đến sân tập ở làng năm tôi 11, 12 tuổi và bố yêu cầu tôi phải rê bóng đến rìa vòng cấm, ngoặt vào trong và dứt điểm. Vào các góc khung thành. Chúng tôi làm điều đó cả nghìn lần trên một sân bóng nhân tạo nhỏ ở Weissach.

Bố thường nói: ‘Nếu con cắt vào bên phải, con sẽ ghi rất nhiều bàn đấy, Serge à”. Nếu tôi thực hiện hoàn hảo, bố sẽ nói: OK, lại nào”. Tiếp tục sút bóng đúng mục tiêu. “OK, lại đi”.

Tôi nghĩ các ông bố đều có cảm giác này. Bạn hiểu ý tôi chứ? Họ có thể nhìn được tương lai. Hiện tại, đó là một trong những cách xử lý đặc trưng của tôi. Ngoặt vào trong, whooom. Ký ức cơ bắp của tôi vẫn giống như những ngày trên sân bóng ở Weissach. Đây là thói quen của chúng tôi từ năm tôi 9 đến 15 tuổi. Chỉ tôi và bố ở công viên với một cái thang tập luyện cùng mấy quả bóng. Và tất nhiên có những lúc tôi không muốn tập nữa. Bạn đã 15 tuổi và muốn ra ngoài với bạn bè mà. Bạn muốn đi xem phim, bạn muốn có một cuộc sống bình thường hơn.

Nhưng cùng lúc đó, trong sâu thẳm suy nghĩ… bạn thực sự muốn gì? Tất nhiên bạn muốn sống với ước mơ đời mình. Bạn chỉ cần người nhắc nhở mình phải làm gì, nhất là khi bạn còn thiếu niên. Nếu không có bố kèm cặp, có lẽ tôi sẽ không thực hiện được ước mơ. Và nó không chỉ là trái bóng và trên sân tập mà tôi còn nên người nữa.

Thật khó để giải thích cảm giác của một người mới 15 tuổi – vẫn đang chơi bóng ở đội địa phương, không tiền trong túi – rồi đột nhiên thành chàng trai 17, thi đấu tại Premier League và có tiền, sự phấn khích và chú ý. Toàn bộ cuộc sống của bạn từ con số 0 lên thành 100 quá nhanh.

Một ngày, bạn xem Mesut Ozil trên TV cùng các đồng đội và anh ấy là thần tượng của tôi. Rồi 2 năm sau, bạn được ngồi uống cà phê với anh ấy. Bạn xem anh ấy chơi bóng bằng cảm giác kinh ngạc, nhìn anh ấy kiến tạo cho Cristiano ở El Clasico. Và rồi anh ấy đứng trước mặt bạn, hỏi bạn như thế nào. Thật không thể tin được. Thành thật mà nói, cảm giác khó mà thay đổi được.

Thật khó để nhớ bạn là ai.

Tôi nhớ Per Mertesacker luôn rất khó tính với tôi nhưng theo hướng tích cực. Anh ấy giống một người anh trai của tôi ở Arsenal và dù tôi thi đấu tốt hay tập luyện chăm chỉ đến đâu, anh ấy luôn nói: “OK, tiếp tục nào!”.

Thực sự phần này khá vô nghĩa nếu bạn không biết Per. Bạn phải nghe giọng anh ấy, nhìn khuôn mặt anh ấy. Per là người dễ mến nhất thế giới tuy nhiên cũng là người mang chất Đức nhiều nhất. Giống như mọi điều anh ấy nói, nó rất mạnh mẽ. Anh ấy cao lớn và cúi xuống nhìn bạn như thể thị uy nhưng thực ra cũng rất thân thiện. Tôi không biết diễn tả từ này chính xác bằng tiếng Anh ra sao. Bạn hãy cứ tưởng tượng giống như một Arnold Schwarzenegger thân thiện vậy.

Đó chính là Per. Và dù tôi có làm gì trong buổi tập, sau đó anh sẽ đến chỗ tôi và hét lên “Này Serge, hãy nhớ cậu tới từ đâu!!!! Cậu tới từ Stuttgart đấy!!! Hãy khiêm tốn, khiêm tốn và khiêm tốn!!! Serge, cậu nghĩ mình đã GIỎI rồi ư? Hãy biết mình đang ở đâu đi!!! KHIÊM TỐN!!!!”.

Hahaaaa. Dù thế nào, 5 phút đầu tiên luôn là “SERRRRRGEEEE!!!!”. Và phần còn lại của ngày thì anh ấy là người hoàn toàn bình thường. Một người dễ mến nhất.

Per biết mọi thứ sẽ thay đổi nhanh thế nào. Khi bạn 15, bạn vẫn xin tiền bố mẹ. Rồi bạn 17 hoặc 18, bạn kiếm nhiều tiền nhất nhà. Hãy thử tưởng tượng mà xem. Bạn sẽ không thể nào biết cách giải quyết với điều đó. Tôi nhớ khi mới lên đội một, tôi bắt đầu tiêu nhiều tiền vào những thứ không cần thiết. 600 bảng cho túi đựng đồ vệ sinh cá nhân. Đôi Christian Louboutins bóng bẩy của ngày đó. Đồng hồ Rolex.

Đó là điều khiến bố mẹ tôi phiền lòng và họ phải ngồi lại với tôi để nói chuyện. Họ cảm thấy có điều không ổn. Tôi còn nhớ mẹ bảo rằng: “Serge à, con biết không… chúng sẽ không phải mãi mãi. Con không thể tiêu tiền như thế được. Con cần phải giữ đôi chân trên mặt đất vì mọi thứ có thể sụp đổ vào một lúc nào đó”.

Quả thực, vài tuần sau cuộc trò chuyện đó, mọi thứ đã sụp đổ theo đúng nghĩa đen. Tôi dính chấn thương đầu gối và không thể làm gì trong suốt 8 tháng. Thời gian như đóng băng vậy. Khi tôi trở lại sân cỏ thì không thể chen chân vào đội hình. Bỗng nhiên, tôi bị đem cho mượn ở West Brom. Cứ như thể mẹ nhìn thấy trước tương lai vậy.

Giờ thì hãy nói về West Brom nào.

Bạn biết niềm vui là gì không? Đối với tất cả mọi thứ được viết trên báo chí về quãng thời gian của tôi ở West Brom và những gì HLV trưởng nghĩ về tôi. Tôi nghĩ tôi vẫn khá bối rối.

Khi ở đó, tôi có cảm nhận tích cực về mọi thứ. Lý do tôi chọn West Brom thay vì các CLB khác là bởi HLV dường như rất mong muốn có tôi ở đó. Rõ ràng, tôi không có 100% thể lực. Tôi vừa trở lại sau quá trình hồi phục dài. Và hiển nhiên, tôi là một mẫu cầu thủ tấn công nhất định và West Brom thì muốn thi đấu theo lối chơi khác. Nhưng rồi… tại sao tôi lại ở đó? Tôi được vào sân 15 phút cuối trận đấu với Chelsea và sau đó không có tên trong đội hình nữa. Tôi ngồi trên khán đài suốt 6 tháng, nghi ngờ bản thân và không bao giờ có câu trả lời lý giải.

Tôi không phải một cầu thủ hoàn hảo. Tôi mới 19 tuổi, tôi có thể phạm sai lầm trong tập luyện. Nhưng thực sự – và tôi đang thành thật 100% – tôi đã cống hiến hết sức có thể. Ngày hôm nay tôi có thể nhìn vào gương và khẳng định như thế. Sau đó tất nhiên, tôi đọc được thông tin răng mình lười biếng, tôi không đủ thể lực và tôi không đủ trình độ… Ôi thật thất vọng.

Bị gắn mác “lười” sau tất cả những gì bố đã nói với tôi từ khi còn nhỏ, điều đó quả thực đã thay đổi tôi. Nó mở khóa một cảm xúc mà tôi thực sự chưa bao giờ có trong quá trình lớn lên. Đó là tức giận. Phải, tức giận 100%.

Khi trải qua một giai đoạn như tôi đã từng, bạn sẽ dùng điện thoại nhiều và gần như là không bỏ lỡ cuộc gọi đến nào. Mọi người sẽ có góc nhìn khác nhau về bạn. Quả thực lúc đó cô đơn hơn. Và điều ấy rất quan trọng với bất cứ cầu thủ trẻ nào vì bạn nhận ra ai mới thực sự là người quan trọng trong đời. Bố mẹ, những người bạn thân, họ sẽ không bao giờ rời bỏ bạn. Tuy nhiên, rất nhiều người đã không gọi đến cho tôi nữa.

Lúc ấy những ký ức dội về với bạn theo những cách khác nhau. Những ngày chơi bóng với bố ở công viên. Tất cả những lúc bố bảo tôi phải tập luyện chăm chỉ gấp đôi và tôi chớp mắt liên tục. Đó là khi mẹ dặn tôi những điều phù phiếm không phải mãi mãi. Per bảo tôi phải thật khiêm tốn. Arsene bảo tôi về cái hành lang. Khi bạn bị gục xuống, bạn nghe những lời này theo cách khác. Bạn thực sự hiểu ý nghĩa của chúng.

Và tôi phải lùi lại một bước để tiến 10 bước. Trở lại Đức thi đấu cho Werder Bremen và Hoffenheim là một bước ngoặt trong đời tôi – trên khía cạnh con người nhiều hơn cả công việc. Tôi được trở về nhà sau khi đã rời xa tất cả bạn bè ở tuổi 16 cũng như được ở những CLB thực sự cần tôi. Điều này thật tuyệt vời.

Là một cầu thủ, tất cả những gì bạn muốn là thi đấu. Có lẽ mọi người không biết cảm giác của tôi như thế nào đâu. Khi không thể thi đấu, bạn sẽ thấy thời gian cứ như ngừng trôi vậy. Thực tế, 2 tháng cách ly vừa qua thực sự là khoảng thời gian để tôi nhìn lại mọi thứ. Tôi đã chiến đấu trước tất cả những khó khăn, sau đó gia nhập Bayern va chứng minh bản thân dưới những áp lực to lớn để giành chiến thắng, thi đấu ở Champions League… bạn đứng trên đỉnh thế giới và rồi… bụp. Mọi thứ biến mất.

Tất cả chúng tôi đang ngồi ở sofa, tập luyện qua Zoom. Thật không thể tin được! Có lẽ vì mọi thứ đã chậm lại nhưng khi tập luyện một mình ở nhà, tôi có thời gian để suy nghĩ rằng: “Này, chờ đã. Mình đang thực sự thi đấu cho Bayern Munich sao? Đây có phải sự thật không?”.

Một lần nữa, đây là một thời điểm bạn phải tạm dừng lại. Vì nếu tôi nói: “Thi đấu cho Bayern quả là giấc mơ thành sự thật” thì bạn thực sự sẽ không hiểu toàn bộ ý tôi. Ý nghĩa của nó sâu xa hơn thế. Tôi nhớ năm 9 tuổi, chúng tôi thường tới Dortmund va Munich để tham dự những giải đấu lớn ở đó. Và 1 ngày, chúng tôi đối đầu với đội trẻ Bayern. Họ bước ra sân trong những bộ trang phục đỏ và tất cả chúng tôi đều trầm trồ: “Wow. Bộ đồ đẹp nhất mình từng được thấy, Nhất định một ngày mình sẽ khoác bộ trang phục đó”.

1 năm sau, tôi cùng bố trở về nhà từ 1 giải đấu. Khi đó, bố bảo tôi rằng một HLV của Bayern sẽ nói chuyện với tôi và đề nghị tôi gia nhập đội bóng. Tôi nhớ khi đó mình đang ăn túi hoa quả mà mẹ chuẩn bị và trước khi tôi kịp thốt lên một từ, bố đã nói tiếp: “Nhưng con sẽ ở đây với bố mẹ. Chúng ta sẽ không tới Munich. Con mới 10 tuổi thôi”.

Cả ngày hôm đó tôi đã khóc. Thật sự quá buồn.

Do đó, giờ đây có thể mặc lên mình màu áo đỏ của Bayern là điều quá đỗi tuyệt vời. Nhưng hãy nhớ không chỉ có tôi. Tôi thi đấu ở những đội trẻ với Joshua Kimmich, Leon Goretzka và Nicklas Sule. Trên hết là David Alaba, người đã trở thành bạn thân của tôi. Đôi khi gặp khó khăn và cần động lực, tôi lại nhìn những con người đó trong phòng thay đồ và tự nhủ “Mày biết mình đang chơi ở đội một Bayern chứ? Mày và những con người đó… Tất cả đều đang ở đây. Mày thực sự nhận ra chứ? Thật sự điên rồ”.

Tất cả chúng tôi đã đi trên những con đường khác nhau. Tuy nhiên chúng tôi đều đã bước sang phía bên kia của hành lang.

Tôi không coi cơ hội này là hiển nhiên, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại. Khi bạn là một cầu thủ hay cổ động viên, tất cả chúng ta đều cảm thấy thật sự trống rỗng phải không nào? Có một câu mà tôi thấy rất nhiều trên mạng xã hội và tôi nghĩ nó rất đúng: “Bóng đá là thứ không-quan-trọng có tầm quan trọng nhất trong cuộc sống”.

Trên thế giới lúc này có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng xảy ra và bóng đá chỉ là một trò chơi. Tuy nhiên đó là trò chơi giúp gắn kết mọi người. Bạn không thể nào thấy tuyệt vọng chán nản khi giữ một trái bóng dưới chân dù bạn đứng ở đâu đi chăng nữa.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên về thăm gia đình bên nội ở Bờ Biển Ngà năm tôi 13 tuổi, tôi đã chơi bóng cùng các anh em họ trong làng. Thực sự mặt cỏ ở đó cao quá cả đầu gối chúng tôi và tiếng Pháp của tôi rất tệ. Tuy nhiên chúng tôi chẳng cần phải nói gì cả. Tất cả chúng tôi đều vui khi đá bóng với nhau.

Điều bình thường quan trọng nhất trên thế giới. Đó là sự thật. Hẹn gặp lại mọi người.

Bài viết cùng chuyên mục