Michael Ballack: Người hùng của những dở dang

Khi lớp bụi thời gian phủ lên mọi thứ cũng là khi ta đủ thời gian để chiêm nghiệm những điều đã qua trong quá khứ. Michael Ballack không phải kẻ thất bại toàn tập, anh vẫn có những danh hiệu mà nhiều người mơ ước, nhưng bằng cảm quan của một khán giả bình thường, chừng đó vẫn chưa sánh được với những lần anh gục ngã trước ngưỡng cửa vinh quang.

Đã 18 năm trôi qua kể từ cú vô-lê kinh điển của Zinedine Zidane vào lưới Bayer Leverkusen ở trận chung kết UEFA Champions League 2002. Đến nay có lẽ đó vẫn là một trong những bàn thắng đẹp nhất được ghi ở các trận chung kết Champions League. Từ đường chuyền vào của Roberto Carlos, Zizou căn thời điểm chuẩn xác, nhún chân trụ, ngả người sút bóng bằng chân không thuận (chân trái). Trái bóng găm thẳng vào lưới trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Ở phía sau, Michael Ballack chứng kiến rõ nét toàn bộ siêu phẩm này.

Cùng là 2 tiền vệ tài năng của thế hệ, cùng là 2 thủ lĩnh của đội tuyển đất nước mình, nhưng nếu Zizou có được nhiều những danh hiệu cao quý thì vinh quang thường xuyên ngó lơ Ballack. Nói thế không có nghĩa Ballack hoàn toàn trắng tay trong sự nghiệp, chỉ có điều số phận rất hay để anh sắm vai kẻ về nhì hoặc thất bại ở các trận chung kết. Và nó đáng nói bởi như đã viết ở trên, tài năng của Ballack không cần phải bàn cãi, thậm chí có lúc anh như một ngôi sao cô đơn ở đội tuyển, một người thủ lĩnh duy nhất để cả nền bóng đá trông cậy.

Trước thềm vòng chung kết World Cup 2010, đội tuyển Đức tập huấn ở Sicily, Italy. Một ngày, HLV Joachim Low triệu tập một cuộc họp đội và đưa ra thông báo chấn động: Michael Ballack dính chấn thương trong trận chung kết FA Cup trước Portsmouth và sẽ không thể kịp bình phục để tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Thông tin này lập tức tạo ra cơn hoang mang cho cả nền bóng đá Đức, ai cũng hiểu Ballack là thủ lĩnh cả về tinh thần lẫn lối chơi của Die Mannschaft. Rudi Voller, cựu HLV của Đức, nói: “Có những cầu thủ không thể bị thay thế và Michael Ballack là một trong số đó”.

Với cá nhân Ballack, năm ấy anh đã 34 tuổi và tràn đày khao khát giành danh hiệu đầu tiên cùng đội tuyển quốc gia. Nhưng rốt cuộc thì tuyển Đức vắng Ballack vẫn ổn. Họ giành vị trí thứ 3 ở World Cup 2010 với dàn tiền vệ trẻ trung như Sami Khedira, Mesut Oezil, Thomas Muller. Về vai trò đội trưởng, Philipp Lahm đã làm tốt nhiệm vụ dẫu Lahm không phải mẫu thủ lĩnh kiểu “sói đầu đàn” như đàn anh. Đó càng là tiền đề để Joachim Low gạt anh khỏi kế hoạch của mình. Nhưng Ballack cay đắng bởi cái cách Low cho anh thêm 2 trận nữa để tròn 100 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia như một sự ban ơn, Ballack cay đắng vì Lahm hùng hồn tuyên bố sẽ không trả lại băng đội trưởng cho anh. Từ một thần tượng, một biểu tượng, Ballack bỗng biến thành kẻ lạc thời khi nền bóng đá dịch chuyển sang một cá tính và phẩm chất kỹ thuật khác.

Khi Ballack ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Chemnitzer vào năm 1995, báo chí Đức thời điểm đó đã gọi anh là “Tiểu Hoàng đế”, một cách ví von từ biệt danh “Hoàng đế” của Franz Beckenbauer. Như thế có nghĩa người Đức đã ngầm đặt ra một niềm kỳ vọng lớn lao dành cho một chàng trai khi ấy mới 19, đôi mươi. Đến khi khoác áo Bayer Leverkusen, anh lại có biệt danh “Herbert” bắt nguồn từ Herbert von Karajan, một trong những người nhạc trưởng tài năng và nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Ở Leverkusen, Ballack chính là nhạc trưởng trong lối chơi mà các HLV Christoph Daum và Klaus Toppmoller áp dụng.

Sau kỳ Euro 2004 thất bại, Jurgen Klinsmann thay thế Rudi Voller trên băng ghế chỉ đạo và Ballack cũng tiếp quản tấm băng đội trưởng tuyển quốc gia từ Oliver Kahn. Ballack là ngôi sao số một của cả đất nước. Trước thềm Euro 2008, tờ Bild liên tục giật các dòng tiêu đề trên trang nhất để ca ngợi tiền vệ lúc đó đang khoác áo Chelsea như: “Sếp lớn Ballack”, “Đội trưởng và Người truyền động lực của chúng ta”, “Thủ lĩnh không phải bàn cãi của đội”.

Trên Instagram của mình, Ballack có đăng bức hình anh khoác vai Bastian Schweinsteiger, một hình ảnh mang tính biểu tượng đại diện cho 2 tiền vệ thuộc 2 thế hệ cũng là 2 mẫu thủ lĩnh khác nhau của bóng đá Đức. Ở Ballack phát ra khí chất dữ dội của thứ chúng ta vẫn hay gọi là tinh thần Đức: sự sắt đá, mạnh mẽ, lạnh lùng và cứng rắn của một người đại ca. Sau trận thua Croatia ở vòng bảng Euro 2008, Ballack đã triệu tập một cuộc họp đội để công khai phê bình một vài cầu thủ với những lời lẽ thực sự mạnh mẽ. Và anh cũng đã thuyết phục Low thay đổi hệ thống chiến thuật trước thềm vòng tứ kết.

Hay có một hình ảnh điển hình chúng ta vẫn thường nói đi nói lại về khí chất của Ballack là tình huống mà Miroslav Klose ghi bàn gỡ hòa cho tuyển Đức ở tứ kết World Cup 2006 trước Argentina. Nhặt bóng từ biên, Ballack ném cho Lahm. Vẫn giữ sự khoan thai của mình, anh nhận bóng ngược từ người đồng đội, tạt vào cho Tim Borowski đánh đầu kiến tạo để Klose lập công. Các cổ động viên Đức trên sân Olympiastadion vỡ òa, các cầu thủ Đức cũng thế. Còn riêng Ballack, anh vẫn bình tĩnh lắng nghe lời căn dặn của Klinsmann.

Dù vậy nhà báo Raphael Honigstein nhận định Ballack “chưa bao giờ là một người hùng nổi tiếng như Rudi Voller, Oliver Kahn hay Schweini và Poldi. Anh được tôn trọng, nhưng không thực sự được yêu quý”. Có lẽ đó cũng là điều dễ hiểu. Một mẫu cầu thủ đầy tính đại ca như Ballack luôn dễ gây ra những khó chịu và cảm giác đè nén. Lukas Podolski từng bạt tai của người đội trưởng ngay trên sân trong một trận giao hữu với Xứ Wales và sau đó các đồng đội phải vào can ngăn. Lahm khi có cơ hội cũng thẳng thắn tuyên bố không trả lại tấm băng đội trưởng tuyển quốc gia cho người đàn anh. Huyền thoại Lothar Matthaus nói kỳ World Cup 2010 không có Ballack, các cầu thủ trẻ của đội tuyển đã có cơ hội bùng nổ và thăng hoa.

Để rồi Ballack có một cái kết buồn trong sự nghiệp. Từ một biểu tượng của đội tuyển, anh bị gạt phắt sang một bên. Chia tay Chelsea để trở lại Bayer Leverkusen, mọi thứ ở đội bóng cũ cũng không như ý muốn đến nỗi CEO Wolfgang Holzhauser của Leverkusen còn phải thừa nhận “Dự án Ballack đã thất bại”. Cộng thêm với đó là những tấm huy chương bạc, những lần về nhì cay đắng đã định hình nên một sự nghiệp dài 17 năm của anh.

Như một bài viết trên trang Goal từng ví von: “So sánh với bộ ba phim Batman của Christopher Nolan, không khó để tìm ra những điểm tương đồng đáng chú ý. Nếu di sản của Beckenbauer là của một ‘người hùng trắng’; một hình mẫu hoàn hảo với thành tích hoàn mỹ; một ví dụ về sự nghiệp trọn vẹn thì Ballack kết thúc sự nghiệp như một ‘Kỵ sĩ bóng đêm’, một người hùng thầm lặng của nước Đức!”.

Thế nhưng chúng ta luôn có quyền lựa chọn cách để nhớ về một ai đó, bởi con người thì luôn đa diện. Ballack cũng vậy. Ta có thể nhớ tới anh là một cầu thủ Đức điển hình; một người thủ lĩnh sắt đá, thét ra lửa, tỏa sức mạnh trên sân; một người hùng gần như đã kéo Die Mannschaft tới chung kết World Cup 2002; một cầu thủ với những cú sút xa uy lực hay một cầu thủ mà Jose Mourinho từng khẳng định là “không thể động tới” ở Chelsea.

Bài viết cùng chuyên mục