Marco van Basten: Khi “Thiên nga vùng Utrecht” thống trị thế giới

Sự nghiệp cầu thủ của Marco van Basten phải dừng lại rất sớm tuy nhiên ông đã dành cho nó những năm tháng thực sự rực rỡ.

Vinh quang gieo nên những hạt giống của bi kịch. Định nghĩa của một sự nghiệp đỉnh cao là nó không bao giờ có thể làm lại được; sau đó là sự đi xuống từ từ hoặc rất nhanh. Thế nhưng đỉnh cao cũng có thể là ghi bàn thắng quan trọng trong một trận chung kết để giúp đội tuyển quốc gia giành danh hiệu đầu tiên mà đến nay vẫn được coi là bàn thắng vĩ đại nhất ở một trận chung kết.

Những cầu thủ bóng đá thời nay giống như một vận động viên chạy nước rút: cơ thể rắn chắc, phần thân trên đầy đặn và 6 múi hấp dẫn. Nhưng trước đây, trước cả kỷ nguyên Premier League, các cầu thủ cũng có 6 múi nhưng là của bia và những miếng bánh sandwich nướng phô mai.  Nhưng Marco van Basten thì khác.

Không giống như nhiều cầu thủ lớn khác, ông rất biết ơn cơ thể và sự thanh thoát của mình. “Giấc mơ khi còn bé của tôi là trở thành một vận động viên thể dục. Tuy nhiên, tôi nhận ra mình chơi bóng đá khá hay. Tôi nghĩ khi tôi quyết định đi theo bóng đá một cách nghiêm túc, nền tảng đóng đó góp rất lớn vào sự nhanh nhẹn của tôi”, Van Basten chia sẻ.

Bên cạnh sự mềm mại và uyển chuyển, “Thiên nga vùng Utrecht” còn sở hữu khả năng đọc trận đấu. Kết hợp với thể chất tuyệt vời, ông có thể tăng tốc vào những vị trí mà hậu vệ không lường hoặc không thể nào phòng thủ được. Khi ấy, bộ não của ông sẽ tính toán để quyết định dứt điểm như thế nào: bằng đầu hay chân, dứt điểm mạnh hay tinh tế.

Ta có thể tưởng rằng đôi chân của ông rất cứng nhắc. Thực chất chúng rất mảnh mai nhưng vô cùng có lực giống như những ngón tay của một nghệ sĩ dương cầm vậy. Ringo Starr từng nói về Billy Preston – nhạc sĩ khách mời duy nhất từng được đồng ghi danh trên một bản thu của The Beatles – rằng: “Anh ấy không bao giờ đặt ngón tay sai vị trí”. Với bóng đá, Van Basten cũng tương tự như vậy.

Ở Ajax, ông giành danh hiệu vua phá lưới Eredivisie 4 mùa liên tiếp. Mùa giải 1985/1986, ông giành Chiếc giày vàng châu Âu với 37 bàn trong 29 trận trên mọi đấu trường. Khi Johan Cruyff dẫn dắt Ajax, ông giúp đội bóng giành Cup Winners’ Cup mùa giải 1986/1987. Van Basten ghi 9 bàn trong 6 trận, trong đó bao gồm cú đánh đầu dũng mãnh ở cột gần để đánh bại Lokomotive Leipzig.

Khi đó, Serie A là giải đấu lớn nhất thế giới và Silvio Berlusconi đang trên đường biến AC Milan trở thành siêu cường. Van Basten và Ruud Gullit gia nhập, cả 2 cầu thủ người Hà Lan ghi bàn ngay trong trận đấu đầu tiên của họ ở Serie A. Tuy nhiên đến tháng 11, Van Basten dính chấn thương mắt cá đầu tiên. Như ký giả Simon Kuper viết: “Khi là cầu thủ, Van Basten đã ‘chết’ từ khi còn trẻ dù không ai nhận ra điều đó”.

Ông trở lại vào mùa xuân, vào sân từ ghế dự bị và ghi bàn ấn định chiến thắng trước Napoli của Diego Maradona – nhà đương kim vô địch. Có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục, Basten đã sẵn sàng cho một mùa hè của tình yêu. Tuy vậy, ông đến Euro 1988 với tư cách tiền đạo thứ 3 của Oranje. HLV trưởng Rinus Michels khi ấy ưa thích sử dụng Wim Kieft – đồng đội cũ của Van Basten ở Ajax – và Johnny Bosman hơn. Kieft thời điểm đó là vua phá lưới ở Eredivisie trong màu áo PSV Eindhoven trong khi Bosman luôn gây ấn tượng với Michels trong suốt quãng thời gian Van Basten chấn thương. Sau này, Van Basten thừa nhận: “Bosman thi đấu một vài trận và chơi khá tốt nên chẳng có lý do gì để thay đổi cả. Đừng bao giờ thay đổi một đội bóng chiến thắng… và Hà Lan thì đang chiến thắng”.

Nhận định trước thềm giải đấu trên tờ The Times, Gullit cho biết: “Van Basten có thể là vũ khí mạnh nhất của chúng tôi. Cậu ấy có khả năng đặc biệt là nhìn thấy các bàn thắng và tạo ra không gian mà không ai làm được”. Nhưng bước vào giải đấu, Bosman nhận áo số 9, Kieft khoác áo số 14 của Cruyff còn Van Basten dùng số 12: một cầu thủ dự bị.

Trong một buổi tập một-một ở Amsterdam, Johan Cruyff đã khuyên Van Basten nên rời đi. Thật may là chân sút người Hà Lan đã không làm thế. Với khát khao tham dự giải đấu đầu tiên của đội tuyển quốc gia sau 8 năm, ông biết thời gian của mình rồi sẽ tới.

Và cơ hội đã đến rất sớm sau thất bại trong trận ra quân trước Liên Xô trên sân Mungersdorfer ở Cologne. HLV huyền thoại Valeriy Lobanovskyi đã lựa chọn 11 cầu thủ đá chính từ Dynamo Kiev, trong đó Vasily Rats bằng cú sút chéo góc uy lực đã hạ gục thủ thành Hans van Breukelen ở đầu hiệp 2. Lobanovskyi bố trí tuyến giữa chơi gắn kết buộc Hà Lan phải chơi bóng dài. Sau 1 giờ đồng hồ bóng lăn, Van Basten được tung vào sân và có một cú đánh đầu dội vào khung gỗ. Tuy Hà Lan thua 0-1 nhưng ông đã lấy lại được vị trí của mình ở trận đấu tiếp theo: cuộc chạm trán đội tuyển Anh.

Giống như Hà Lan, Anh bước vào Euro 1988 với vị thế ứng cử viên vô địch. Và cũng như Hà Lan, “Tam sư” thất bại 0-1 ở trận ra quân trước Ireland. Sự quyết liệt của trận đấu trên sân Rheinstadion phần nào đó đã được dự báo trước bằng căng thẳng giữa những người Anh, Hà Lan và những kẻ theo chủ nghĩ Tân Quốc xã ở Dusseldorf. Trên sân, Hà Lan dường như là đội chơi hay hơn nhưng Gary Lineker và Glenn Hoddle đưa ra những lời cảnh báo bằng các tình huống sút dội cột dọc. Tuy nhiên ngay trước khi hiệp 1 khép lại, Hà Lan đã mở tỷ số.

Frank Rijkaard chuyền bóng cho Gullit đang ở bên cánh phải trước khi đội trưởng Oranje vẩy má ngoài kiến tạo cho Van Basten. Số 12 của Hà Lan vượt qua Tony Adams rồi dứt điểm bằng chân trái hạ gục thủ môn Peter Shilton. Thủ quân Bryan Robson san bằng cách biệt cho Anh ở hiệp 2 nhưng ngày hôm ấy sẽ chỉ có một người được nhớ đến. Van Basten hoàn tất cú hattrick ở phút 75 để biến trận đấu thứ 100 của Shilton trong màu áo tuyển Anh trở nên thật tồi tệ. “Đây là một ngày đặc biệt. Từ trận đấu đó, mọi thứ tại Euro 88 đã diễn ra thật suôn sẻ”, sau này Van Bastren chia sẻ với FourFourTwo.

Dù vậy, mọi thứ suýt chút nữa đã không như thế. Trận đấu cuối cùng vòng bảng gặp Cộng hòa Ireland, Hà Lan đã rất chật vật. HLV Michels phải tung Kieft và sau đó cầu thủ của PSV giúp đội bóng giành chiến thắng với khoảng cách tối thiểu. Hà Lan lọt vào bán kết, chạm trán kình địch lớn nhất trong lịch sử: đội tuyển Tây Đức.

Mâu thuẫn giữa Hà Lan và Đức có thể viết thành rất nhiều cuốn sách về xã hội học cũng như những áng văn tuyệt vời nhất về thể thao. Trong Thế chiến thứ hai, quân đội Đức Quốc xã đã xâm lược Hà Lan (và phần lớn châu Âu). Trên khía cạnh bóng đá, Hà Lan đã thống trị thế giới bằng Bóng đá Tổng lực: Ajax vô địch cúp C1 các năm 1971, 1972 và 1973. Năm 1974, Oranje chơi một trận chung kết World Cup tuyệt vời trước chủ nhà Tây Đức dù chung cuộc là một thất bại. Trong khi đó, Bayern Munich nối tiếp Ajax bằng 3 chức vô địch C1 liên tiếp từ 1974 đến 1976.

Do đó, trận đấu bán kết Euro 88 thực sự là một sự kiện quan trọng. Trong số 56.000 khán giả trên sân Volksparkstadion ở Hamburg, số lượng cổ động viên Hà Lan có lẽ phải nhiều hơn con số 6.000 như báo cáo chính thức. Báo chí xứ sở hoa tulip gọi đây là “cuộc xâm lăng ngược”.

Tây Đức là những người mở tỷ số trước với bàn thắng trên chấm 11m của Lothar Matthaus sau pha phạm lỗi của Rijkaard với Jurgen Klinsmann. Tuy nhiên cũng giống như trận chung kết World Cup 1974, bàn gỡ hòa cũng đến trên chấm 11m (do công của Ronald Koeman).

Tuy nhiên điểm ngược với năm 1974 là thay vì cả 3 bàn ghi trong hiệp 1 thì nay nó đến vào hiệp 2; thay vì Hà Lan dẫn trước thì nay người Đức dẫn trước; và thay vì người Đức lội ngược dòng thành công thì lần này là người Hà Lan. Chính Van Basten ấn định tỷ số ở phút 89 bằng cú dứt điểm sắc bén và nhạy cảm. Hà Lan đã vượt qua bóng ma của họ, như chính Van Basten thừa nhận: “Giành chiến thắng trước đội tuyển Đức – nhất là ngay trên chính nước Đức – không phải điều thường xuyên diễn ra. Sau nhiều năm bị khắc sâu bởi thất bại năm 1974, Hà Lan cuối cùng cũng giành chiến thắng”.

Giờ đây, họ lại đứng trước thời khắc lịch sử, sau 2 thất bại trong 2 trận chung kết World Cup vào các năm 1974 và 1978 trước đó. Van Basten hồi tưởng: “Khi đó chúng tôi đang son. Tất cả mọi thứ đều tích cực. Các cầu thủ đều rất tự tin; tôi không nghĩ có ai quá căng thẳng. Chúng tôi tin mình có thể giành chiến thắng”. Trước đó ở trận bán kết còn lại, Liên Xô đã đánh bại Italia.

Trận chung kết ở Munich đã khởi đầu khá chậm. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, Gullit mở tỷ số: sau quả tạt của Erwin Koeman, Van Basten đánh đầu chuyền bóng để Gullit ghi bàn. Và đến phút 54, bàn thắng kinh điển ấy xuất hiện. Từ quả tạt bên cánh trái của Arnold Muhren, bóng lượn qua đầu 4 hậu vệ Liên Xô, rơi xuống rìa vòng cấm bên phải, cách khung thành gần 6m.

“Tất cả mọi người đều nói đó là quả tạt tốt nhất tôi từng thực hiện, nhưng không phải. Marco đã biến một đường chuyền không hề tốt trở nên rất tốt. Tôi cố gắng đưa trái bóng lăn khoảng gần 2m trước mặt cậu ấy. Tôi nghĩ cậu ấy sẽ dẫn bóng vào vòng cấm”, Muhren chia sẻ.

Còn Van Basten thừa nhận: “Tôi có chút lo lắng. Khi trái bóng bay đến, tôi nghĩ ‘OK, mình có thể hãm nó lại và vượt qua các cầu thủ phòng ngự hoặc có phương án dễ hơn: dứt điểm luôn, liều ăn nhiều’”.

Thật may, ông đã quyết định mạo hiểm và dứt điểm. Trái bóng đi đi ngoạn mục, Van Basten đứng nhìn chăm chú. Ngay cả một Rinus Michels lão luyện và dày dạn kinh nghiệm cũng há hốc miệng, lấy tay ôm đầu vì biết ông vừa được chứng kiến một bàn thắng lịch sử. Trong khi đó, tiền đạo từng là sự lựa chọn thứ 3 trong đội hình lao đi ăn mừng bàn thắng thứ 5 của mình trong 5 trận.

“Một cảm giác thật tuyệt vời. Nhưng bên cạnh sự phấn khích về bàn thắng, tôi thực sự không hiểu tôi đã làm gì. Các bạn có thể thấy phản ứng của tôi, tôi đang tự hỏi: ‘Chuyện gì đang xảy ra vậy?’”, chủ nhân siêu phẩm đặt câu hỏi. Các đồng đội cũng có phản ứng tương tự. Ronaldo Koeman nói không thể nào sút từ góc đó, Gullit khẳng định là Van Basten có làm lại 1 triệu lần cũng không thể ghi bàn nào khác như thế nữa. Và Van Basten kết luận: “Bạn cần một chút may mắn khi sút như thế. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã gặp may”.

Van Basten ghi 117 bàn thắng trong 5 mùa giải tiếp theo, giành Quả bóng vàng các năm 1988, 1989 và 1992 đồng thời giúp AC Milan vô địch cúp C1 năm 1989, 1990 cũng như 2 scudetto các năm 1992, 1993. Tuy nhiên, cơ thể ông đã quá tải. Và cuộc phẫu thuật mắt cá vào cuối năm 1992 khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.

“Cuộc sống của tôi bị nỗi đau chiếm trọn trong 3 năm cuối sự nghiệp. Điều thất vọng nhất không phải việc tôi đau mắt cá mà là cách một vài bác sĩ đã đối xử với tôi. Người hủy hoại mắt cá của tôi là một bác sĩ phẫu thuật chứ không phải cầu thủ nào hết”, Van Basten nói.

Dù không chính thức giải nghệ cho đến mùa hè năm 1995 nhưng trận đấu cuối cùng của ông là trận chung kết Champions League đầu tiên, trận đấu diễn ra vào ngày 26/5/1993. Khi bóng đá bước vào một kỷ nguyên mới thì kỷ nguyên Van Basten cũng kết thúc ở tuổi 28. Ông phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm và khoảnh khắc vui nhất trong ngày là lúc ăn tối. Tuy vậy rốt cuộc ông cũng vượt qua và trở thành một HLV dù vinh quang không thể nào sánh bằng những năm tháng quần đùi áo số.

Sau tất cả, di sản của Marco van Basten sẽ vẫn còn mãi. HLV Fabio Capello gọi huyền thoại Hà Lan là “tiền đạo xuất sắc nhất tôi từng huấn luyện”; HLV Arrigo Sacchi nói ông là “tiền đạo xuất sắc nhất mọi thời đại”; Diego Maradona khi được đề nghị chọn ra cầu thủ hay nhất từng chứng kiến, ông khẳng định: “Romario hoặc là Van Basten”.

Được xem “Thiên nga vùng Utrecht” chơi bóng trong những năm tháng đỉnh cao thực sự là một đặc ân với những khán giả thế hệ ấy.

Bài viết cùng chuyên mục