Lukas Podolski: ‘Tam mệnh’ Hoàng tử

Được người Đức ưu ái gọi là “Hoàng tử”, nhưng Lukas Podolski thực tế chỉ phần nào thể hiện được phẩm chất cao sang của mình trong màu áo Die Mannschaft. Ở quê hương, anh là người hùng chân chất. Và ở các CLB, Podolski đơn giản là nỗi thất vọng lớn.

Ai nấy đều có mệnh, và vận mệnh mỗi người chẳng ai giống ai. Nhưng với Podolski, thật khó để xác định vận mệnh thực sự của anh là gì. Tiền đạo người Đức gốc Ba Lan sinh ra để làm Hoàng tử, nhưng cuối cùng, anh chỉ thành công trong hành trình ngắt quãng với đội tuyển quốc gia. Sự nghiệp ở cấp CLB với chàng tiền đạo hay cười này là câu chuyện ngược lại, với niềm tin bị đánh cắp. Anh là Hoàng tử của Die Mannschaft, là người hùng của đội bóng hạt tiêu Cologne, và là kẻ thất bại toàn diện ở các CLB lớn.

Từ năm lên 2 tuổi, Podolski đã cùng gia đình di chuyển từ vùng Silesia của miền nam Ba Lan đến Bornheim ở Tây Đức. Trước Thế chiến thứ hai, nơi sinh của Podolski, Gliwice, là một phần của Đức và là thành phố mà những họ hàng thân thiết của anh chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng.

Gia đình Podolski được trao quyền trở lại (Aussiedler) nhờ gốc gác người Đức của ông bà anh. Và 16 năm sau khi chuyển đến Cologne sinh sống, Podolski đã có lần đầu tiên ra mắt đội bóng áo đỏ-trắng. Tình hình tài chính bết bát của đội bóng mang đến cơ hội cho các tài năng trẻ như Podolski và anh chàng không lãng phí một giây phút nào được ra sân.

Mặc áo số 36 khiêm tốn nhưng Podolski không mất nhiều thời gian để khiến người Đức chú ý. Cú sút vô-lê cháy lưới Bayern Munich khép lại nửa mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên (2003-04) đầy ấn tượng cho tiền đạo này. Với 10 bàn thắng sau 19 trận đấu, Podolski đi vào lịch sử Bundesliga với kỷ lục cầu thủ U18 ghi bàn nhiều nhất giải đấu. Thế nhưng, điều đó không đủ giúp Cologne thoát khỏi vị trí xuống hạng.

Tốc độ, sự khéo léo và lực sút cổ chân trái dị thường biến Podolski trở thành nỗi sợ hãi mới của các hậu vệ ở Đức. Phong độ chói sáng ở Cologne giúp tiền đạo này có suất tham dự EURO 2004 ở tuổi 18. Trong khi nước chủ nhà Bồ Đào Nha có Ronaldo, thì người Đức cũng tự hào có Podolski.

Tuy nhiên, giải đấu lớn đầu tiên của Podolski lại không diễn ra đẹp như hành trình anh có cùng đội bóng quê nhà. Sau 2 trận hòa đáng thất vọng với Hà Lan và Latvia, Die Mannschaft đã bị hiện tượng CH Séc đá văng khỏi giải ngay từ vòng bảng. Cũng giống như ở Cologne, màn trình diễn chói sáng của Podolski trong 45 phút ở Lisbon là quá muộn màng để giúp người Đức thoát khỏi thất bại ê chề cuối cùng.

Trở lại sau mùa hè đầy cảm xúc ở Bồ Đào Nha, Podolski quyết định từ chối mọi lời mời để ở lại Cologne. Mục tiêu của anh là đưa đội bóng trở lại Bundesliga. Và Podolski đã làm được. 24 bàn thắng sau 30 trận đấu không chỉ giúp Cologne thăng hạng mà còn giúp tiền đạo trẻ này giật giải Vua phá lưới ở Bundesliga 2. Ở cấp độ ĐTQG, tân HLV tuyển Đức, Jurgen Klinsmann điền tên Poldi vào kế hoạch đặc biệt cho vòng chung kết World Cup 2006 tổ chức tại sân nhà. Đáp lại, tiền đạo này bùng nổ trong màu áo trắng. Trong năm 2005, anh ghi 8 bàn thắng sau 12 trận khoác áo Die Mannschaft.

Biệt danh “Hoàng tử” ra đời sau đó. Với người Đức, “Hoàng tử” mang ý nghĩa đặc biệt. Họ đã có “Hoàng đế” Franz Beckenbauer và người nối ngôi ông đương nhiên phải là tài năng nổi trội. Ở mùa giải trước World Cup 2006, Poldi vẫn giữ được phong độ ấn tượng với 12 bàn thắng ở Bundesliga, nhưng Cologne một lần nữa không thể trụ hạng thành công.

Mùa hè năm đó, Đức đứng trước áp lực vô địch lớn hơn bao giờ hết. Lợi thế sân nhà và dàn tài năng mới – với đại diện là Podolski tạo ra kỳ vọng không thể khác với đội bóng của Klinsmann. Kết hợp với Miroslav Klose, Podolski “tàn sát” các đối thủ. Đáng tiếc, Đức chỉ vào được đến bán kết trước khi thất bại trước nhà vô địch của giải đấu: Italia. Podolski nổi tiếng toàn cầu với danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải. Và giống như bao tài năng khác của Bundesliga, điểm đến tiếp theo của anh là Bayern Munich.

Chi ra 10 triệu euro để sở hữu tiền đạo trẻ tài năng nhất nước Đức, Bayern tin rằng họ đã có món hời lớn. Thế nhưng trong bóng đá, không ai biết được chữ ngờ. Ở Allianz Arena, Podolski sống với vận mệnh thứ 2 của anh trong cuộc sống: vận mệnh của kẻ thất bại và bị nghi ngờ. 3 năm khoác áo “Hùm xám”, Podolski ghi được vỏn vẹn 15 bàn thắng ở Bundesliga, 26 bàn thắng trên mọi mặt trận. Cái chân trái của anh vẫn mạnh mẽ như trước, nhưng sự sang trọng và sắc sảo của vị vua tương lai không còn nữa.

Điều thú vị là Podolski vẫn luôn luôn chắc suất và tỏa sáng ở đội tuyển Đức bất chấp màn trình diễn mờ nhạt ở CLB. Anh liên tục ghi bàn, kiến tạo giúp Đức dễ dàng vượt qua vòng loại EURO 2008. Đến ngày ra quân ở vòng chung kết, Podolski lập cú đúp vào đội bóng cố hương Ba Lan giúp Đức thắng 2-0. Tiền đạo trẻ từ chối ăn mừng để bày tỏ sự tôn trọng và tình cảm với đất nước nơi anh sinh ra. Phong độ tuyệt vời của Podolski góp phần giúp Đức thẳng tiến vào trận chung kết. Nhưng một lần nữa, niềm vui không trọn vẹn với Poldi khi Die Mannschaft thất thủ 0-1 trước thế hệ vàng của Tây Ban Nha.

Câu chuyện về “số mệnh” trái ngược của Poldoski ở CLB và đội tuyển tiếp tục kéo dài trong những tiếp theo. Không ai có thể giải thích được chuyện gì đã xảy ra với tiền đạo này. Ở CLB, Podolski giống như ngôi sao băng. Bùng lên rồi tắt ngúm. Trở về sau Bayern sau thành công ở Euro 2008, Poldi bùng nổ trong giai đoạn đầu mùa và… lịm dần. Kết thúc mùa giải 2008/09, tiền đạo này chỉ có 9 bàn thắng trên mọi đấu trường cho “Hùm xám” và bị đẩy trở lại Cologne.

Anh không thể tỏa sáng ở đâu khác ngoài Cologne, hoặc nói khác đi: anh không thể sống với áp lực ở các đội bóng lớn. Từ Bayern cho đến Arsenal và Inter Milan, Poldi đều để lại sự thất vọng khó hiểu. Từng có thời gian người ta kỳ vọng Podolski sẽ tỏa sáng với thứ bóng đá hồn nhiên của Pháo thủ, nhưng anh không mang lại sự ổn định cần thiết và thường xuyên mất hút ở thời khắc quan trọng.

Podolski bị đẩy sang Inter theo dạng cho mượn ở nửa cuối mùa giải 2014-15 sau khi gây thất vọng suốt giai đoạn lượt đi ở Emirates. Italia là nơi chứng kiến trải nghiệm tồi tệ nhất của Podolski trong sự nghiệp, khi anh chỉ ghi được đúng 1 bàn thắng sau 18 lần ra sân. Kỳ lạ thay, đó lại là mùa giải ngay sau khi tiền đạo này cùng tuyển Đức vô địch World Cup 2014 tại Brazil. Nó là minh chứng rõ nét cho sự tương phản mà anh thể hiện ở CLB lớn và ở tuyển quốc gia.

Ở tuổi 31, Podolski giã từ đội tuyển với 130 trận đấu và 49 bàn thắng cho Die Mannschaft, đứng thứ 3 trong danh sách “vua dội bom” của họ. Anh hoàn toàn là một người khác so với Podolski ra sân hàng tuần ở các CLB tên tuổi.

Sự trái ngược mà Podolski thể hiện tiếp diễn trong những năm cuối sự nghiệp của anh. Đến Nhật Bản dưỡng già, Poldi có lại niềm vui chơi bóng như thời ở Cologne. Anh không còn ghi quá nhiều bàn thắng, nhưng vẫn tỏa sáng đều đặn và góp công giúp Vissel Kobe giành danh hiệu đầu tiên trong lịch sử CLB vào tháng 1 năm nay (Emperor’s Cup 2019). Đây cũng là lời chia tay của Podolski với Vissel Kobe.

Hiện tại, anh đang khoác áo Antalyaspor của Thổ Nhĩ Kỳ. Anh đã ghi được 2 bàn thắng trong 6 trận đầu tiên tại Antalyaspor trước khi mùa giải bị hoãn lại. Ở tuổi 35, Podolski vẫn chưa có ý định dừng lại…

Bài viết cùng chuyên mục