Franco Baresi: Số 6 của giải độc đắc

Số 0 đến cạnh bên số 6. Franco Baresi đã bước qua tuổi 60 cách đây ít ngày. Người đàn ông nhỏ con lặng lẽ của AC Milan đã vĩ đại đến mức nào? Cây viết sử bóng đá Đức Uli Hesse, tác giả những đầu sách Tor!, Bayern: Creating a global super club, Building the Yellow Wall danh tiếng, viết về Baresi.

Khi Arrigo Sacchi cố gắng truyền đạt ý tưởng của mình vào AC Milan những năm cuối thập niên 1980 – sau đó ảnh hưởng tòan bộ thế giới bóng đá – ông gặp phải vấn đề: làm sao để những ngôi sao tấn công thượng thặng như Marco Van Basten hay Ruud Gullit tin tưởng vào việc tập thể làm việc cùng nhau sẽ mạnh mẽ hơn bất kỳ cá nhân xuất chúng nào. “5 người trong một hệ thống sẽ thắng 10 cá nhân vượt trội hơn”.

Nói là làm. Ông yêu cầu cầu thủ chia làm hai đội bóng đấu tập với nhau, một bên chỉ có 1 thủ môn và 4 hậu vệ, bên còn lại có tới 10 người. Ngoài Van Basten và Gullit, đội 10 còn có Carlo Ancelotti, Frank Rịkaard và Roberto Donadoni. Kết quả đội 10 không thể ghi nổi bàn thắng, dù chỉ một lần duy nhất. “Tôi lặp đi lặp điều này rất nhiều lần trong sự nghiệp huấn luyện”. Tất cả ngôi sao của đội 10 đều bị ấn tượng mạnh với ý tưởng của Sacchi, một lý giải khiến về sau tất cả bọn họ đều có những thành công trên băng ghế huấn luyện.

Thế nhưng các chuyên gia tấn công của AC Milan có vẻ như đã bị Sacchi lừa. Bộ tứ vệ đấu tập năm nào có sự góp mặt của Franco Baresi, điều khiến cho dù gấp đôi về số lượng cầu thủ tấn công, đội 10 vẫn yếu thế hơn

Thành viên ‘One club men’

AC Milan vĩ đại trong tay của Sacchi rồi về sau là Fabio Capello nổi tiếng với thứ bóng đá tấn công chất lượng nhưng hệ thống phòng ngự xoay quanh Baresi cũng đóng vai trò quan trọng. Khi Sacchi vô địch năm 1988, lần đầu tiên sau 9 năm, họ chỉ để đối phương chọc thủng lưới 14 lần sau 30 trận. Vào năm 1994, dưới thời Capello, là 15 bàn thua sau 34 trận. Tập thể này rõ ràng biết cách để chơi phòng ngự.

Tất nhiên, Baresi không phải cá nhân duy nhất góp công vào thành tích này. Hàng phòng ngự của AC Milan là sự kết hợp điên rồ nhất lịch sử, giống như trúng giải độc đắc 6 số, với 2 thành viên của ‘One Club Men’ (chỉ những cầu thủ chỉ khoác áo một CLB trong suốt sự nghiệp): Baresi – phục vụ trong 20 năm – sát cánh cùng Paolo Maldini ở tuổi đôi mươi. Cả hai ra sân tổng cộng 1,621 trận cho Rossoneri, được tri ân bằng cách treo số áo vĩnh viễn, chỉ đứng cách nhau vài mét đất khi ra sân.

Họ không sinh ra dành màu áo đỏ đen nhưng cái kết thì giống nhau. Gia tộc Maldini nhiều đời phụng sự AC Milan, còn nhà Baresi hướng ánh mắt nhìn về Inter. HLV đội trẻ Guido Giuseppe của Inter đã kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng chơi bóng của hai anh em nhà Baresi, rốt cục cậu em trai Beppo được đánh giá cao hơn, còn Franco bị thải loại.

Sai lầm lịch sử của Inter có cái lý của nó. Franco về với AC Milan giống như định mệnh đã đánh lừa Nerrazurri hơn là họ đã đánh giá cẩu thả. Franco Baresi không có vẻ gì của một cầu thủ Italia giỏi giang xuất chúng và phải có trí tưởng tượng phong phú mới hình dung được việc anh sẽ trở thành libero xuất sắc nhất trong thời đại của mình. Thậm chí nhiều, nhiều năm về sau, các Tifosi đã thần tượng anh còn đồng nghiệp trẻ xem anh là hình mẫu để noi theo, vẫn có một số cổ động viên thắc mắc làm cách nào anh chàng nhỏ bé, mảnh khảnh với lồng ngực hẹp, lại là một ngôi sao bóng đá? Tại sao?

Nghệ thuật của sự bí ẩn

Tại sao? Baresi thành thạo môn nghệ thuật của sự bí ẩn, trên sân bóng cũng như trong cuộc đời. Anh luôn chơi bóng một cách thích hợp. Baresi chuyền khi cần phải chuyền, rê bóng khi cần phải rê bóng, lùi lại khi cần phải lùi lại và di chuyển khi cần một đa giác phối hợp mới. Và tất cả sự vĩ đại được anh làm trong lặng lẽ. Không hò hét ầm ĩ, không vung tay vung chân, anh chỉ chơi thứ bóng đá của mình. Đầu tiên, anh được Sacchi cho đá ở vị trí libero ngày càng lỗi thời phía sau hàng phòng ngự, sau đó, vì cần cải thiện khả năng giăng bẫy việt vị, Baresi tiến lên phía trước đứng ngang hàng với 3 người còn lại trong bộ tứ vệ.

Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng ngày trọng đại nhất sự nghiệp của Baresi lại chứng kiến thất bại cay đắng nhất. Anh đã giành 5 chức vô địch quốc gia, 3 chức vô địch Champions League trước khi sang Mỹ tham dự kỳ World Cup thứ ba. Anh góp mặt trong đội hình vô địch 1982, bị bỏ rơi ở 1986 rồi giành huy chương đồng trên sân nhà năm 1990. Anh đã 34 tuổi nhưng vì HLV đội tuyển Italia không ai khác hơn chính là Sacchi, với sự tín nhiệm tuyệt đối được kiểm chứng qua vô số trận chiến lớn nhỏ.

Nhưng trong trận vòng bảng thứ hai trước Na Uy, Baresi đau khớp gối, phải rời sân nhường chỗ cho Luigi Apolloni. Cơn đau nhức hành hạ đến nỗi anh mất ngủ cả đêm, cuối cùng, anh được đưa đến bệnh viện tiếp hành phẫu thuật. Năm giờ sáng, sụn được lấy ra khỏi đầu gối. Quá trình hồi phục có thể mất từ 3 đến 6 tháng. Đã có người khuyên Baresi nên quay về châu Âu nhưng “Tôi sẽ không đi đâu hết. Tôi muốn ở lại với đội”, anh nói.

Maldini nhận băng đội trưởng từ người đàn anh, dẫn dắt Italia vào trận chung kết với Brazil. Nhưng Sacchi hoang mang khủng khiếp trước trận chung kết: Alessandro Costacurta và Mauro Tassotti đều bị treo giò. Ai đủ sức thay thế? Khi hai đội bước vào sân trong trận đại chiến sau cùng, khán giả không thể tin vào mắt mình: dẫn đầu Azzurri là Baresi, người vừa nằm trên bàn mổ 23 ngày trước.

Bộ đội tấn công khét tiếng của Brazil – Bebeto và Romario – xác định tử huyệt của người Italia nằm ở vị trí của Baresi, liên tục khoét vào vị trí này, nhưng libero người Italia hóa ra chính là người giỏi nhất trên sân. Nhà báo người Anh Sheridan Bird đã viết trên The Blizzard nhiều năm sau đó: “Baresi là vị vua già uy phong giữa những chàng hoàng tử trẻ tuổi. Los Angeles được chứng kiến buổi học cao cấp về tổ chức phòng ngự và chỉ huy hàng tiền vệ do huyền thoại xuất chúng thị phạm. Mãi đến khi nhìn thấy Baresi ngã xuống vì chuột rút, áo đã rơi ra ngoài quần, khán giả mới thở phào rằng gã Titan dưới kia cũng chỉ là người trần mắt thịt”.

Gã Titan cũng được trao cơ hội đá quả luân lưu đầu tiên trong trận chung kết. Cú sút của Roberto Baggio trở thành thời khắc kinh điển của lịch sử World Cup nhưng nhìn thấy người đàn ông mang áo số 6 ngã quỵ xuống khi trái bóng bay quá xà ngang khung thành cũng khiến Tifosi đớn đau không kém. Bởi vì tất cả đều hiểu đó sẽ là cú sút sau cùng của Baresi trong màu áo thiên thanh.

Và có lẽ trong một sát na ngắn ngủi, những cổ động viên trung lập thôi chú tâm vào những chuyên gia tấn công nhảy điệu Samba siêu đẳng đến từ Sugarloaf cũng như những nghệ sĩ phòng ngự bậc thầy từ dãy Apennines. Tất cả hướng dòng suy nghĩ về người đàn ông nhỏ thó mặc áo số 6 có cái khớp gối đang vỡ ra, trông già nua y hệt như độ tuổi hiện nay.

Bài viết cùng chuyên mục