David Beckham và hành trình của một “Quỷ đỏ”

Thời trang đường phố hay các ban nhạc pop như Spice Girls, Westlife từng làm nên một thời kỳ hoàng kim của nước Anh vào những năm 90. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến David Beckham – người đã góp phần nâng tầm Man Utd trở thành một trong những CLB vĩ đại nhất Premier League và bóng đá châu Âu.

Từ sự nghiệp lẫy lừng trên sân cỏ, David Beckham đã xây dựng cho mình thương hiệu cá nhân nổi tiếng toàn cầu. Danh tiếng của anh thực sự vượt ra ngoài khuôn khổ của bóng đá sau cuộc hôn nhân với Victoria Adams, cựu thành viên của ban nhạc đình đám Spice Girls, một nhà thiết kế thời trang và nữ doanh nhân thành đạt. Không quá khi nói Beck – Vic luôn nằm trong top những cặp đôi quyền lực nhất hành tinh hiện nay.

Có một sự thật sẽ khiến các CĐV bóng đá phải ngạc nhiên khi gõ tên Beckham trên thanh tìm kiếm của Google. Ở trang đầu tiên, ngoại trừ trích dẫn từ Wikipedia, các kết quả đưa ra không hề liên quan đến thời kỳ Becks còn theo nghiệp quần đùi áo số. Thay vào đó là các tài khoản mạng xã hội, các cuốn sách, dự án thời trang hay kinh doanh mới nhất của anh.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, những trang sử về Becks trong 21 năm tung hoành trên sân cỏ sẽ không bao giờ trôi vào quên lãng. Trong đó, những bước đi của anh tại Man Utd luôn khiến người ta có những xúc cảm đặc biệt khi nhớ về…

NUÔI DƯỠNG ƯỚC MƠ

Beckham sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô phía đông London của Leytonstone. Anh là con trai duy nhất trong nhà và đã sớm được truyền tình yêu bóng đá từ cha mẹ của mình. Cả hai đều là CĐV trung thành của môn thể thao vua, là fan hâm mộ cuồng nhiệt của Man Utd. Ông David Edward (Ted) Beckham đã hướng Becks đi theo sự nghiệp quần đùi áo số, với bài học đầu tiên là đá bóng xung quanh những bụi cây ở Công viên Ridgeway.

Năm 2007, trong một buổi phỏng vấn, Beckham từng chia sẻ anh đã nung nấu ước mơ trở thành cầu thủ từ khi còn là một cậu bé ngồi trên ghế nhà trường. Một giáo viên từng hỏi anh muốn làm gì khi lớn lên, và Becks đáp rằng anh muốn trở thành một cầu thủ bóng đá. Khi đó, họ khuyên anh nên thực sự nghiêm túc cho một công việc để kiếm sống. Cựu tiền vệ người Anh chỉ trả lời: “Nhưng đó là điều duy nhất mà tôi từng muốn làm”.

Tài năng của Beckham đã sớm được bộc lộ từ khi còn thi đấu cho đội trẻ của 2 CLB địa phương là Leyton Orient và Norwich City. Trong 2 năm chơi cho đội trẻ của Brimsdown Rovers, anh được bầu chọn là Cầu thủ dưới 15 tuổi xuất sắc nhất năm 1990, khiến Tottenham Hotspur quyết tâm đem anh về học viện của mình.

Sinh nhật năm 14 tuổi của Beckham là một sự kiện rất đặc biệt. Thay vì ăn bánh sinh nhật, dành thời gian bên gia đình, nhận những món quà như điện thoại hay xe đạp mới, Becks lại có mặt ở một văn phòng, trong trang phục sơ mi và áo blazer lịch sự. Cậu bé mới bước sang tuổi 14 ấy đã được trao tặng một chiếc cà vạt màu đỏ, với điểm nhấn là phần huy hiệu của một CLB vô cùng nổi tiếng: Manchester United.

Người tặng cho Becks chiếc cà vạt ấy không ai khác chính là Sir Alex Ferguson, HLV huyền thoại người Scotland. 2 người đã trò chuyện rất lâu trong bữa tối, trước khi “birthday boy” được cắt bánh sinh nhật muộn. Mục đích của Fergie chính là thuyết phục Becks gia nhập học viện của M.U. Ông đã nói cho cậu bé ấy nghe về  bức tranh tương lai tươi sáng của các cầu thủ đến với nửa đỏ thành Manchester.

Trên thực tế, Sir Alex cũng chẳng phải tốn nhiều sức trong việc “mời chào” Beckham. Bản thân cựu tiền vệ người Anh đã là một fan hâm mộ M.U từ thuở ấu thơ, luôn khát khao được khoác màu áo đỏ và nghe tên mình vang vọng khắp sân Old Trafford. Lý do duy nhất khiến Becks chần chừ là việc phải rời xa quê hương London để bắt đầu một cuộc sống mới ở Manchester. Sau thời gian cân nhắc, bố mẹ Becks đã quyết định cho con mình cập bến Nhà hát của những giấc mơ.

NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN

Năm 1991, Beckham đặt bút ký hợp đồng với Man Utd với tư cách thực tập và liên tục tỏa sáng. Đến năm 1992, anh đã cùng với những Ryan Giggs, Nicky Butt, Paul Scholes và anh em nhà Neville tham dự giải trẻ FA Youth Cup. Khi đó, họ đã lên ngôi vô địch sau khi giành chiến thắng với tổng tỷ số 6-3 sau 2 lượt trận chung kết trước Crystal Palace. Cá nhân Becks đã ghi được 1 bàn thắng ở trận lượt đi, ở độ tuổi 17.

Màn trình diễn ấn tượng đó đã giúp Beckham được ký hợp đồng chuyên nghiệp với Man Utd vào đầu năm 1993. Anh có lần đầu ra mắt đội một khi vào sân thay người ở trận gặp Brighton tại League Cup. Tuy nhiên, để mài giũa tài năng và tìm được chỗ đứng lâu dài ở Old Trafford, anh buộc phải rời M.U để thử sức ở một CLB khác theo dạng cho mượn.

Preston North End là đội nhanh chóng đạt thỏa thuận mượn Beckham từ M.U. Ở tuổi 19, chàng trai tới từ London đã tỏ ra hoài nghi việc “du học” ở đội bóng mới. “Tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy CLB muốn loại bỏ một cầu thủ nào đó”, Becks viết trong cuốn My World. Tuy nhiên, Sir Alex hiểu rất rõ mục đích của mình là gì khi gửi gắm chàng trai này ở một đội bóng đang chơi ở giải hạng 3.

Những tháng ngày ở Lancashire đã giúp định hình sự nghiệp của Beckham. Anh được trao cơ hội ở đội một Preston North End và nhận trọng trách sút phạt trong các tình huống cố định. Có thể những chàng trai trẻ khác sẽ cảm thấy áp lực nặng nề khi tới một môi trường mới, nhưng Becks thì không. Anh nhanh chóng hòa nhập, ghi được 2 bàn thắng sau 5 lần ra sân, trong đó có một pha lập công trực tiếp từ chấm phạt góc.

Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, Beckham quay trở lại Man Utd. Trận hòa 0-0 trước Leeds United vào ngày 2/4/1995 cũng là trận ra mắt của anh tại Premier League. Cảm giác lúc này đã khác hẳn thời điểm 9 năm trước, khi Becks sắm vai một mascot cho chính M.U ở đấu trường cao nhất nhất nước Anh.

Trong phần còn lại của mùa 1994-95, anh được ra sân thêm 4 lần nữa. Nhưng đây lại là mùa giải đáng thất vọng của M.U khi họ về sau Blackburn Rover đúng 1 điểm trong cuộc đua vô địch Premier League. Ở đấu trường FA Cup, họ cũng để thua với tỷ số sát nút 0-1 trước Everton trong trận chung kết.

KHẲNG ĐỊNH CHÍNH MÌNH

Mùa 1995-96 của M.U cũng bắt đầu trong không khí ảm đạm khi họ để thua Aston Villa với tỷ số 1-3 trong trận khai màn Premier League. Beckham là người đã ghi bàn thắng duy nhất cho Quỷ đỏ. Tuy nhiên, trong gam màu buồn của bức tranh tổng thể, người ta chẳng mấy ấn tượng với màn trình diễn của chàng trai tuổi đôi mươi. Giới chuyên gia, truyền thông và các CĐV vẫn nhìn Becks với ánh mắt nghi ngờ.

Thời điểm đó, Sir Alex bắt đầu tiến hành cắt giảm nhân sự của M.U để trao cơ hội cho các tài năng trẻ của CLB thể hiện mình. Những cầu thủ giàu kinh nghiệm như Paul Ince, Mark Hughes và Kanchelskis lần lượt rời Old Trafford, còn lứa học trò 1992 được Fergie đặt trọn niềm tin. Điều này đã giúp Beckham có một bước tiến dài trong sự nghiệp khi anh được ra sân thường xuyên. Bằng tài năng và sự nỗ lực, Becks đã biến những ánh mắt nghi ngờ trước kia thành sự tin tưởng tuyệt đối.

Kết thúc mùa giải năm đó, M.U đã đưa cả 2 chức vô địch Premier League cùng FA Cup về Old Trafford, và đóng góp của Beckham là cực kỳ lớn. Trong vai trò tiền vệ cánh phải, anh trở thành chân chuyền chủ lực của Quỷ đỏ với những đường kiến tạo quan trọng giúp CLB giành chiến thắng. Riêng ở FA Cup, Becks chính là người ghi bàn thắng quyết định trong trận bán kết với Chelsea, cũng là người kiến tạo cho Eric Cantona ghi bàn thắng duy nhất từ chấm phạt góc trong trận chung kết với đại kình địch Liverpool.

Đầu mùa giải 1996/97, Beckham được trao chiếc áo số 10 mà Mark Hughes để lại, đồng thời đánh dấu bước chuyển trong sự nghiệp bằng một trong những bàn thắng mang tính biểu tượng của Premier League. Ngày 17/8/1996, trên sân vận động của Wimbledon, Beckham bất ngờ tung ra pha phất bóng má trong từ khoảng cách hơn 50m khi nhận thấy thủ môn đội bạn đang dâng cao. Bóng bay vòng lên và đi vào lưới trong sự ngỡ ngàng của đối phương cũng như CĐV trên khắp các khán đài. Kết thúc mùa giải năm đó, M.U bảo vệ thành công ngôi vương, còn cá nhân Becks nhận giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của PFA.

Kết thúc mùa 1996-97, Eric Cantona tuyên bố giải nghệ, chiếc áo số 7 được Sir Alex trao lại cho Beckham. Thời điểm đó, số 7 ở Old Trafford là sự ẩn dụ cho trọng trách thiêng liêng với sứ mệnh nâng tầm CLB, điều mà những George Best, Bryan Robson và Eric Cantona đã làm được. Becks nhận nó trong niềm tự hào, nhưng áp lực đôi khi còn lớn hơn thế.

Mùa giải đầu tiên mặc chiếc áo huyền thoại, Beckham không thể giúp M.U vô địch Premier League trong cuộc đua song mã với Arsenal. Tuy nhiên, mùa giải 1998/99 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đây có thể coi là chương vàng trong lịch của Man Utd nói chung và sự nghiệp của Beckham nói riêng.

Nhắc đến cú ăn ba thần thánh của M.U thời điểm đó, không ai có thể phủ nhận đóng góp to lớn của Beckham. Ở trận đấu cuối cùng với Tottenham ở Premier League, Becks chính là người ghi bàn gỡ hòa 1-1 trong chiến thắng 2-1 của M.U, qua đó nâng cao chiếc cúp vô địch khi cán đích với đúng 1 điểm nhiều hơn Arsenal. Sau khi thâu tóm luôn cả FA Cup, họ bước vào trận chung kết Champions League lịch sử với Bayern Munich.

Trên sân Camp Nou, chính Beckham là người đã thực hiện cả 2 quả phạt góc để Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer ghi 2 bàn thắng cho M.U. Trong đó, pha lập công ở phút thi đấu chính thức cuối cùng của Solsa đã giúp Quỷ đỏ hoàn tất cú ăn 3 lịch sử. Những màn trình diễn thượng hạng của Becks trong mùa giải cũng giúp anh cán đích ở vị trí thứ 2 trong cuộc bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA.

Bước sang 2 mùa 1999-2000 và và 2000-01, Man Utd tiếp tục đem về phòng truyền thống thêm 2 danh hiệu Premier League. Trong 2 năm này, Beckham vẫn là linh hồn trong đội hình của Quỷ đỏ, với 15 bàn thắng và 31 lần ra sân ở mỗi mùa. Đến mùa 2001-02, dù M.U để mất chức vô địch Premier League vào tay Arsenal, Becks lại có một mùa giải hết sức thành công trên phương diện cá nhân khi ghi được 16 bàn thắng, nhiều nhất trong sự nghiệp.

KẾT THÚC BUỒN

Sau những chiến quả kể trên, lời chia tay của Beckham với M.U lại không đẹp như nhiều người mong đợi. Sir Alex bắt đầu mệt mỏi với những hoạt động bên ngoài sân cỏ của Becks cùng với cô vợ Victoria. Chiến lược gia người Scotland dần đánh mất niềm tin nơi Becks, cho rằng bóng đá đã không còn là là ưu tiên của cậu học trò.

Mối quan hệ của Sir Alex và Beckham xấu đi từ đầu những năm 2000. Becks có lần đã đến xin Fergie vắng mặt buổi tập quan trọng của M.U để ở nhà chăm sóc đứa con trai đầu lòng Brooklyn đang bị bệnh. Không lâu sau, ông lại phát hiện ra việc Victoria đến tham dự tuần lễ thời trang London Fashion Week mà không ở nhà chăm con. “Máy sấy tóc” đã nổi cơn tam bành vì cách xử lý và sắp xếp công việc của Beckham.

Tháng 2/2003, căng thẳng giữa 2 bên lên đến mức đỉnh điểm. Thời điểm đó, Beckham đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Real Madrid. Cho rằng cậu học trò bị phân tâm bởi các tin đồn chuyển nhượng, Fergie đã có hành động cảnh cáo vô cùng mạnh mẽ. Sau thất bại của M.U trước Arsenal ở FA Cup, trận đấu mà Becks thi đấu vô cùng mờ nhạt, 2 người đã có cuộc cãi vã nảy lửa trong phòng thay đồ.

Sir Alex đã đi đến chỗ Beckham và đá thẳng chiếc giày vào mặt anh, khiến anh phải khâu vài mũi và để lại một vết sẹo trên mắt. Ngay sau khi lãnh trọn chiếc giày, Becks liền đứng dậy và tiến lại phía ông thầy của mình với thái độ căm phẫn nhưng bị đồng đội cản lại. Vụ việc này đã thúc đẩy cựu tiền vệ người Anh rời M.U sang Real Madrid.

Và rồi ngay mùa hè năm 2003, Beckham đã chính thức chia tay M.U để cập bến Bernabeu với mức phí 37 triệu euro, trở thành một phần trong dải ngân hà Galáctico của chủ tịch Florentino Perez. Trên đất Tây Ban Nha, huyền thoại người Anh có chức vô địch La Liga 2006-07 sau 4 mùa gắn bó trước khi tung hoành ở LA Galaxy, AC Milan hay Paris SG.

Trong sự nghiệp kéo dài 21 năm, Beckham đã giành được 6 chức vô địch Premier League, 2 FA Cup, 1 La Liga, 2 MLS Cup, 1 Ligue 1 và 1 Champions League. Sau khi giải nghệ vào mùa hè 2013, cựu tiền vệ người Anh tiếp tục gặt hái thành công ở nhiều lĩnh vực khác. Như đã nói ở trên, danh tiếng của anh đã vượt ra ngoài khuôn khổ của sân cỏ và trái bóng tròn. Tuy nhiên, với những người hâm mộ M.U từ những năm 90, Becks vẫn mãi là chàng trai của thế hệ vàng 1992, người đã góp phần đưa Quỷ đỏ đến những trang sử huy hoàng nhất, rực rỡ nhất của CLB.

Bài viết cùng chuyên mục