Cannavaro: Không cao nhưng tất cả vẫn phải ngước nhìn

Với chiều cao khiêm tốn 1m75, Fabio Cannavaro vẫn là một trong những trung vệ xuất sắc nhất mọi thời đại và là cầu thủ phòng ngự hiếm hoi giành Quả bóng vàng. Cùng đến với những chia sẻ của nhà vô địch World Cup 2006 trên The Players’ Tribune để biết được nhờ đâu mà anh “không cao nhưng tất cả vẫn phải ngước nhìn”.

Từ cậu bé nhặt bóng tới ngày đối đầu Maradona

Ngày nay, khi nghĩ về bóng đá Italia, người ta sẽ ngay lập tức nghĩ về việc “phòng ngự”. Có thể các cậu bé sẽ mơ được trở thành Giorgio Chiellini hay Leonardo Bonucci mới. Nhưng hãy để tôi nói cho các bạn vài điều… Bản thân tôi ban đầu cũng không muốn trở thành hậu vệ.

Ai lại muốn đá hậu vệ sau khi thấy tiền đạo Paolo Rossi ghi 6 bàn ở World Cup 1982? Tôi vẫn nhớ như in khi tiền vệ Marco Tardelli sút tung lưới Tây Đức ở trận chung kết năm đó. Tôi nhớ cách ông ấy ăn mừng, biểu cảm khi ông ấy ghi bàn và cả lúc ông ấy vừa chạy, vừa hét, vừa nắm tay đấm vào không trung.

Cũng như những cậu nhóc khác ở Italia, tôi ngồi trước màn hình TV. Khi đó, tôi mới 9 tuổi. Lúc hồi còi mãn cuộc vang lên, Italia trở thành nhà vô địch thế giới và giọng của bình luận viên Nando Martellini vang lên trên sóng truyền hình: “Campioni del mondo! Campioni del mondo! Campioni del mondo!” (Những nhà vô địch thế giới).

Khi mới tới Napoli, tôi chỉ là một cậu bé nhặt bóng, đồng nghĩa với việc tôi được xem những huyền thoại tập luyện. Tới lúc gia nhập đội trẻ ở độ tuổi thiếu niên, tôi là một tiền vệ giống Tardelli. Đến một ngày, một trong những vị giám đốc ở học viện đến gặp tôi và nói rằng tôi sẽ thay đổi vị trí. “Fabio, tôi thích cậu đá hậu vệ hơn”, ông ấy nói.

Chỉ vậy thôi. Chẳng có lời giải thích nào, chẳng có một lý do nào. Tôi thấp hơn hầu như mọi cầu thủ khác trên sân. Tôi trông chẳng giống một hậu vệ và chắc chắn không phải một trung vệ. Nhưng từ thời khắc ấy, trung vệ đã trở thành vị trí mà tôi thi đấu. May mắn là tôi thích phòng ngự và cũng chơi khá tốt.

Khi nhìn lại sự nghiệp của mình, tôi rút ra được 2 điều. Đầu tiên, tôi học hỏi bằng cách theo dõi những người giỏi nhất. Khi tới Napoli, tôi chơi bên cạnh Ciro Ferrara – người đã đá hơn 500 trận cho Napoli lẫn Juventus và là một trong những hậu vệ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Italia. Giống nhiều người Italia khác, Ferrara không hề sỗ sàng. Anh ấy sẽ nói cho bạn biết cần đứng đâu, làm gì, có hay không có cơ hội khi chạm mặt đối thủ của mình.

Tôi được biết đến Ferrara vào năm 1987 khi còn là một cậu bé nhặt bóng ở Napoli, thời điểm đội bóng giành chức vô địch Serie A đầu tiên. Đó là một mùa giải kì diệu. Tôi học hỏi được rất nhiều từ mọi cầu thủ nhưng có một người đặc biệt hơn cả. Đó là thiên tài – Diego Maradona.

Hàng ngày, tôi dõi theo những huyền thoại. Khi được gọi lên tập luyện với đội một, tôi nói “Cuối cùng mình cũng được tập luyện với Maradona”. Ferrara chỉ nhìn tôi với nụ cười trên môi.

“Tập luyện cùng Maradona cũng không phải điều dễ dàng. Đơn giản là cậu sẽ không cướp được bóng từ Maradona đâu. Quả bóng sẽ chẳng bao giờ rời chân anh ấy”, Ferrara nói rồi đưa tôi quả bóng. “Đây, cầm lấy bởi cậu sẽ chẳng bao giờ lấy được bóng từ Maradona. Nhưng lấy bóng từ tôi thì có thể”.

Dần dần, tôi cũng được đối đầu Ferrara cũng như các thành viên đội một, bao gồm cả thần tượng Maradona trong những buổi tập. Một ngày, Maradona tiến tới thẳng trước mặt tôi, dùng kĩ năng nhảy múa với quả bóng. Không suy nghĩ gì, tôi cố giành lấy bóng.

Tôi đã cướp được bóng từ chân Maradona! Thiên tài! Huyền thoại! Lúc ấy, có cảm giác như ánh mắt của các đồng đội lẫn HLV đều hướng về phía mình. Sau đó, tôi lại nghe thấy giọng của Ferrara văng vẳng trong đầu mình: “Cậu không thể cướp được bóng từ chân Maradona đâu”.

Người duy nhất nở nụ cười là Maradona. Cuối buổi tập, Maradona tiến lại chỗ tôi và tặng tôi đôi giày của anh ấy. Tôi vẫn treo những tấm ảnh của Maradona trên tường phòng ngủ của mình. Giờ trong tay tôi là tôi là đôi giày của anh ấy, vẫn còn lấm bùn đất sau buổi tập.

Sau đó tôi rút ra bài học thứ hai: Để trở thành một hậu vệ giỏi, bạn phải đối đầu những người giỏi nhất thế giới. Thứ mà bạn cần? Không phải chiều cao, tốc độ hay thậm chí là kĩ năng chơi bóng. Bạn buộc phải có sự tự tin.

Tôi không chắc mình có được cảm giác tự tin từ lúc nào nhưng khá chắc rằng đó là ngày mà tôi cướp được bóng từ chân Maradona. Từ lúc ấy, tôi đã không ngừng nỗ lực. Ở Napoli, Parma, Inter Milan hay cả Juventus cũng vậy. Cho tới ngày 9/7/2006, tôi thực sự cảm nhận được sự tự tin khi làm một hậu vệ. Đó là khi tôi nâng cao chức vô địch World Cup và nghe thấy tiếng hét của các bình luận viên:

Là một hậu vệ, bạn có thể thấp và nhanh hay to cao và bật nhảy giỏi. Điều đó không quan trọng. Điều cần thiết duy nhất là bạn phải có được sự tự tin khi bước ra sân bởi mỗi tuần sẽ là một thử thách mới. Bạn sẽ tìm thấy sự tự tin của mình qua những thử thách. Với tôi, đó là ngày chạm trán Maradona và sau đó là trong những lần ra sân. Thậm chí bây giờ, khi đứng trên sân với tư cách một HLV, tôi cũng muốn nâng cao sự tự tin của bản thân.

Thay vì kể về những khoảnh khắc thành công, tôi muốn nói về những lúc mà đối thủ hay cả đồng đội thử thách mình nhất bởi nhờ có họ, tôi mới tạo dựng được sự tự tin cho bản thân.

“Nỗi sợ” với Ronaldo

Trước và sau khi gặp Ronaldo, cậu ấy luôn luôn là người khiến nỗi sợ hãi trong tôi dâng lên. Đó là cầu thủ đại diện cho thế hệ của chúng tôi. Một hiện tượng. Đó là Ronaldo. Lần đầu tôi chạm trán cậu ấy là ở trận giao hữu giữa Brazil và Italia tại Pháp trước World Cup 1998. Chỉ riêng việc bước ra sân với sự hiện diện của Ronaldo đã khiến tôi run rẩy.

Chúng tôi kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 3-3. Sau đó, tôi đã có buổi nói chuyện với HLV trưởng Cesare Maldini. “Fabio, cậu biết đấy, rất nhiều người đã nói về việc Ronaldo phi thường ra sao, rằng cậu ấy là một cầu thủ giỏi thế nào. Tất cả những gì tôi có thể nói sau khi thấy Ronaldo đối đầu với cậu, đó là Ronaldo rất, rất giỏi”.

Ronaldo là một cầu thủ mà khi đối đầu cậu ta, bạn không cần thiết phải phòng ngự. Thay vào đó, bạn nên hi vọng rằng mình có thể hạn chế tối đa tầm ảnh hưởng của cậu ta bởi đơn giản là nếu Ronaldo muốn ghi bàn, cậu ta sẽ làm được.

Đương nhiên, Brazil cũng có Romario, Roberto Carlos, Ronaldinho nữa. Nhưng Ronaldo đơn giản là khác biệt. Cậu ta nhanh, khỏe, không thể tin được. Mỗi lần chạm trán cậu ta, trong tôi luôn có một sự tôn trọng tuyệt đối. Không cần phải nói những thứ nhảm nhí hay cố chơi chiêu khi đối đầu Ronaldo.

Tôi không nghĩ rằng nỗi sợ khi đối mặt Ronaldo đã biến mất. Nhưng trong nỗi sợ ấy cũng có sự tôn trọng. Nhờ sự tôn trọng một cầu thủ như Ronaldo mà bạn sẽ càng phải nỗ lực tập luyện mỗi ngày. Chắc chắn là tôi có sợ nhưng sẽ không thể hiện nó trên sân. Có thể nói là nhờ Ronaldo, tôi học được cách khống chế nỗi sợ của bản thân.

Hoàn thiện nhờ Zidane

Nếu Ronaldo đại diện cho sức mạnh thì Zidane lại là đại diện của sự hoàn mỹ. Cậu ấy là một quý ông trên sân. Cách cậu ấy di chuyển, những pha chạm bóng hay qua người như một diễn viên múa ba-lê. Thật tuyệt khi nhìn cậu ấy chơi bóng. Được đối đầu cậu ấy là niềm hạnh phúc với tôi.

Tôi đã đối đầu Zidane xuyên suốt sự nghiệp của mình. Với nhiều cầu thủ, bạn sẽ tìm ra cách khắc chế họ ở một thời điểm nào đó. Nhưng với Zidane, từ trận đấu đầu tiên cho tới cuối cùng đối mặt, cậu ấy vẫn luôn tìm ra những cách khác nhau để đánh bại tôi.

Giống như Ronaldo, bạn chỉ có thể nỗ lực hết sức để chuẩn bị đối mặt Zidane. Như tôi đã nói, tôi cực kì nghiêm túc trong công việc của mình. Tôi cố gắng tập luyện miệt mài để khi đối đầu Zidane, bản thân có thêm một cơ hội để ngăn chặn cậu ấy.

Vào năm 2006, chúng tôi chạm trán Pháp ở trận chung kết World Cup và Zidane ghi bàn mở tỉ số. Đó là một quả phạt đền. Chỉ sau 5 phút đầu, Zidane đã có pha sục bóng tinh tế vào góc cao khung thành. Chúng tôi đã hi vọng rằng bóng không đi vào lưới. Tất cả đều sợ hãi. Với tư cách đội trưởng, tôi biết mình phải giúp toàn đội tập trung trở lại. Zidane là như vậy. Kể cả không vượt qua hàng phòng ngự, cậu ấy vẫn biết cách khiến bạn kinh ngạc. Chỉ cần sự hiện diện của Zidane, sự bình tĩnh và sáng tạo cậu ấy truyền qua trái bóng là đủ.

Thế nhưng đó là trước khi Zidane đánh mất sự lạnh lùng và tỉnh táo. Kể cả Zidane cũng có những khoảnh khắc như vậy. Nhưng cũng nhờ đó mà tôi rút ra một bài học khác, đó là về khả năng lãnh đạo trên sân. Tôi biết nhiệm vụ của mình không chỉ là ngăn trái bóng tiến tới khung thành hay chuyền bóng cho tiền vệ và tiền đạo. Tôi còn phải giữ cho toàn đội tập trung, kể cả khi bản thân gặp khó trong trận đấu quan trọng nhất cuộc đời.

Bài viết cùng chuyên mục