Bobby Charlton: Quỷ đầu đàn dẫn lối MU

Để tìm một người đại diện cho những giá trị của Manchester United thì không một ai xứng đáng hơn Bobby Charlton, người sống sót trở về từ thảm họa Munich đau thương và cống hiến 17 năm cuộc đời thi đấu đỉnh cao cho màu áo Đỏ.

Bobby Charlton sinh ngày 11/10/1937 tại thị trấn Ashington – Northumberland, Anh quốc, trong gia đình có bố là thợ mỏ than và mẹ là giáo viên. Tháng Giêng năm 1953, Bobby Charlton được Joe Armstrong – người phụ trách đội ngũ tuyển trạch viên của M.U – để ý khi ông thi đấu cho trường East Northumberland. Ban đầu, khi biết tin con trai mình được Manchester United theo đuổi, mẹ của Bobby Charlton tỏ ra rất miễn cưỡng vì những lo lắng về sự nghiệp quần đùi áo số. Do đó, bà đưa ra một điều kiện rằng Bobby Charlton chỉ được chơi bóng khi ông đồng thời thực tập vị trí kỹ sư điện. Ít lâu sau khi gia nhập ‘lớp học’ của Matt Busby, Bobby Charlton ký hợp đồng chuyên nghiệp với đội bóng vào ngày 6/10/1954.

Trong giai đoạn từ 1954-1956, Bobby Charlton cùng những đồng đội của mình ở đội trẻ vô địch liên tiếp cả 3 mùa tại FA Youth Cup, và ông là một trong những gương mặt được chọn lên đội một. Trong năm 1956, có khoảng thời gian Bobby phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng Busby vẫn cho phép ông tham gia các trận đấu của đội bóng vào ngày cuối tuần, cùng với Duncan Edwards. Ngày 6/10/1956, Bobby Charlton có trận ra mắt đội một Manchester United trong trận gặp Charlton Aletic tại Old Trafford, ông đã ghi cú đúp bàn thắng vào lưới đối thủ với chiếc mắt cá chân bị sưng phồng. Cuối mùa giải 1956/57 thì Charlton mới có một vị trí chính thức trong đội một. Sau sự ra mắt M.U quá ấn tượng trong những ngày đầu tiên khiến bất cứ CLB nào cũng thèm muốn, Sir Bobby Charlton đã khẳng định ông chỉ chơi cho M.U, bất chấp các lời mời hấp dẫn khác mà điển hình là việc đích thân chủ tịch Chelsea đứng ra mời nhưng ông vẫn từ chối.

Charlton là một trong những cầu thủ có một nền thể lực dồi dào với tốc độ kinh hoàng, những phẩm chất giúp ông quên đi bất lợi về thể hình. Ông chỉ cao 1m73 (khá thấp so với các cầu thủ điển hình của ĐT Anh). Bobby Charlton có vị trí sở trường là tiền vệ tấn công, nhưng ông cũng hoàn thành tốt vai trò của mình trong vị trí tiền đạo cắm.

Mùa giải 1956/57 Bobby Charlton đã cùng câu lạc bộ nâng cao chiếc cúp vô địch giải đấu lần thứ 5 trong lịch sử. Dù đã có được những bước chạy đà vững chắc nhưng phải đến khi Bobby Charlton ghi vào lưới Bolton Wanderers trong mùa giải mới thì ông mới thực sự giành trọn niềm tin của Busby. Tháng 1/1958, đoàn quân của Matt Busby làm khách trên sân của Sao Đỏ Belgrade tại Nam Tư và Bobby Charlton đã ghi cú đúp bàn thắng giúp đội bóng giành được một điểm, đồng thời cũng là một suất vào chơi trận bán kết European Cup (nay là C1).

Munich, ngày 6/2/1958, chứng kiến một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá. Chuyến bay mang số hiệu 609 chở 44 hành khách trong đó có đội bóng Manchester United đang trở về Anh sau chuyến làm khách tại Nam Tư đã gặp tai nạn. 23 nạn nhân bị thiệt mạng, trong đó có “Những đứa trẻ của Busby” đang ở độ tuổi rực rỡ nhất. Ngày ấy, Manchester United vừa có hai năm liền lọt vào trận bán kết cúp Châu Âu, và trên con đường trở thành đội bóng thứ ba đoạt ba chức vô địch quốc gia Anh liên tiếp. Nhưng thảm họa Munich đã vĩnh viễn lấy đi những vì tinh tú như Duncan Edwards, Tommy Taylor hay Geoff Bent… Một thế hệ mà Sir Bobby Charlton nhận xét là: “Nếu thảm họa Munich không xảy ra, chưa chắc Real Madrid đã có 5 năm liền thống trị châu Âu, và nước Anh có lẽ đã có chiếc cúp vàng World Cup sớm hơn”.

Từ đống tro tàn ấy, một Manchester United mới được xây dựng lại từ đầu. Và Sir Bobby Chartlon là nền tảng của sự tái sinh ấy, dù ông mới chỉ là một chàng trai đôi mươi. Những người ra đi trong thảm họa Munich là những người bạn, những người đàn anh mà Charlton ngưỡng mộ. Từ chỗ là một cậu em trong đội được bảo ban bởi những người anh giàu kinh nghiệm, Charlton đột ngột đảm nhiệm vai trò người đàn anh ấy. Sức nặng ấy khiến Charlton mất đi sự hồn nhiên và sự vô tư trước đó, như cách mà những đồng nghiệp cùng thời nhận xét. Ông mang gương mặt nghiêm nghị và gồng mình lên vì đội bóng. Charlton trở thành điểm tựa cho những người đồng đội bằng phong thái thủ lĩnh và những màn trình diễn trên sân cỏ. Huấn luyện viên huyền thoại Matt Busby khẳng định cậu học trò này là niềm cảm hứng chính giúp ông ở lại và gây dựng một thế hệ “Busby Babes” mới.

Biến đau thương thành sức mạnh, Charlton dần trở nên mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn và lạnh lùng hơn trong những pha dứt điểm, thời kỳ đầu ông được bố trí chơi tiền đạo cánh nhưng Charlton luôn trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều mỗi khi thi đấu dạt vào bên trong. Dần dần anh được HLV đôn lên đá trung phong cắm và như cá gặp nước, Charlton bắt đầu khẳng định tên tuổi của mình tại ĐT Anh cũng như CLB Manchester United.

Năm 1963, ông cùng những người đồng đội đánh bại Leicester City để vô địch FA Cup. Ông trở thành nhân tố chủ chốt của đội bóng để Matt Busby xây dựng lại đội hình. Năm 1965, đội hình được tái thiết của MU sau thảm họa Munich, mà “hạt nhân” chính không ai khác là Bobby Charlton, đã mang về cho Quỷ đỏ chức vô địch xứ sương mù, đồng thời mở ra thời kỳ huy hoàng cho đội bóng thành Manchester. Ba năm sau ngày đăng quang tại nước Anh, Bobby Charlton tiếp tục đưa Quỷ đỏ ngồi vào “ngai vàng” ở cúp C1 châu Âu, và trở thành đội bóng Anh đầu tiên đoạt được danh hiệu cao quý cấp châu lục. Nhưng đó chưa phải mốc son chói lọi nhất sự nghiệp Bobby Charlton. Bởi, NHM vẫn nhớ tới ông với tư cách “Sư tử đầu đàn” đưa Tam Sư đoạt chức vô địch thế giới năm 1966, đồng thời là cúp vàng duy nhất tính cho đến thời điểm này của ĐT Anh.

Trở lại với World Cup 1966, đây là một năm mà không một người yêu mến bóng đá Anh nào có thể quên được. Tam Sư đã giành chức vô địch trên sân nhà với sự toả sáng của tài năng 28 tuổi, Bobby Charlton. Cùng với các đồng đội và người anh trai Jack Charlton (đá hậu vệ), ông đã đem về chiếc cúp Jules Rimet cho quê hương của môn bóng đá sau khi đánh bại ĐT Đức trong trận chung kết. Lúc đó, ĐT Anh đã có một sự khởi đầu không như ý, khi bị Uruguay cầm hoà với tỷ số 0-0 ngay ở trận đầu ra quân. Chiến dịch đoạt cúp của họ cần phải có một “cú hích”, và Charlton chính là người tiên phong, với bàn thắng đầu tiên vào lưới Mexico, giúp Tam Sư đặt một chân vào vòng sau.

Ở trận bán kết gặp Bồ Đào Nha, hai bàn thắng của Bobby Charlton đã đưa “những chú sư tử Anh” lọt vào trận chung kết ở Wembley. Có thể nói đó là một trận chung kết rất thú vị trong lịch sử các kỳ World Cup. Hai huyền thoai, một của Anh, một của Đức… bám chặt lấy nhau trong phần lớn thời gian của trận đấu. Siêu tiền đạo của ĐT Anh, Bobby Charlton “đọ sức” với siêu hậu vệ của ĐT Đức, Beckenbauer. Khi Charlton tấn công, Beckenbauer phòng ngự, khi Beckenbauer băng lên, Charlton lùi về… bắt chặt. Tỷ số cuối cùng là 4-2, và Beckenbauer là người chiến bại. Sau này, khi nhận xét về trận thua ấy, “Hoàng đế” đã nói: “ĐT Anh giành thắng là vì Bobby Charlton chơi hay hơn tôi một chút.”

Bobby Charlton đã có 49 bàn thắng trong 106 lần khoác áo ĐTQG, nhiều hơn tiền đạo Gary Lineker đúng một bàn. Đó là một kỷ lục của bóng đá Anh mà mãi đến khi Wayne Rooney xuất hiện mới có thể phá vỡ được.

Khoảng thời gian sau đó, Bobby Charlton kinh qua vị trí huấn luyện viên dẫn dắt Preston North End, đội tuyển Ireland hay cố vấn cho Wigan Athletic trước khi được chỉ định làm giám đốc Manchester United vào năm 1984. Năm 1994, ông được phong tước Hiệp sĩ. May mắn thay, trong giai đoạn sau khi giã từ sân cỏ, ông đã tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Manchester United dưới bàn tay thiên tài của Alex Ferguson, giúp đội bóng vươn lên vị trí số 1 của giải Ngoại hạng về bề dày truyền thống.

Sir Alex Ferguson từng nói rằng việc ông được chỉ đạo sử dụng các cầu thủ trẻ thuộc lò đào tạo cũng có phần ảnh hưởng ít nhiều của Sir Bobby.

“Ngài ấy luôn muốn khí thế của thời Sir Busby được tái hiện. Cũng vì vậy mà Manchester United luôn tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có khả năng thể hiện bản thân. Tôi luôn tin họ sẽ tìm được các gọi là tinh thần Manchester United, và có lẽ Sir Bobby cũng như tôi vậy”, Sir Alex chia sẻ.

Phó chủ tịch Ed Woodward cũng từng nói ngắn gọn về Sir Bobby Charlton như sau: “Ông ấy là một người vĩ đại, đơn giản thế thôi. Ông ấy là một cầu thủ giỏi, một nhà ngoại giao, một người đàn ông và một con người cống hiến không biết mệt mỏi. Sir Bobby đại diện cho những gì tinh túy nhất của bóng đá nói chung và M.U nói riêng”.

>> Xem thêm: Keohay – Kèo nhà cái bóng đá trực tuyến hôm nay

Bài viết cùng chuyên mục