Aubameyang – “Công trình” vĩ đại của người cha

Chưa thể giành những danh hiệu lớn nhưng Aubameyang là 1 trong những tiền đạo đáng xem nhất ở châu Âu hiện nay. Sự nghiệp của anh được xem là công trình vĩ đại của ông Pierre-Francois.

“Bố tôi là thần tượng đầu tiên của tôi. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên xem ông thi đấu ở SVĐ. Khi ấy, ông đá cho CLB Le Havre và tôi chỉ khoảng 3 tuổi. Ngay lập tức, tôi muốn giống người cha của mình. Mọi thứ đơn giản là vậy”.

Đó là chia sẻ của Pierre-Emerick Aubameyang về người cha của mình. Vốn là cầu thủ chuyên nghiệp nên ông Pierre rất muốn con trai của mình nối nghiệp. Người cha đáng kính này đã làm tất cả và giờ ông có thể nở nụ cười mãn nguyện trước “công trình” vĩ đại của mình.

Aubameyang may mắn hơn nhiều cầu thủ vì anh có người cha theo nghiệp bóng đá. Tên đầy đủ của ông là Pierre-Francois Aubameyang, huyền thoại của bóng đá Gabon. Khi còn thi đấu, ông từng có 80 lần khoác áo ĐTQG. Ở cấp CLB, ông dành phần lớn sự nghiệp thi đấu ở Pháp cho các CLB như Laval, Le Havre, Toulouse hay Nice…

Sau khi giải nghệ, ông Pierre tiếp tục gắn bó với bóng đá với tư cách tuyển trạch viên cho AC Milan. Vì vậy, không bất ngờ khi ông hướng cả 3 cậu con trai của mình theo nghiệp bóng đá. Đó là may mắn của Pierre-Emerick và ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé đã noi gương người cha của mình.

“Tôi thấy bố tôi chơi bóng và về nhà tập luyện. Tôi sử dụng những quả bóng nhựa và tất cả những gì có thể để chơi cùng đám bạn. Tôi còn chơi cả bóng rổ nhưng thích bóng đá hơn. Bố tôi đã dạy cho tôi rất nhiều điều, từ bóng đá đến cuộc sống. Đặc biệt, ông nói rất nhiều về quê hương Gabon. Vì vậy, dù lớn lên ở Pháp nhưng tôi có cảm giác như mình sinh ra ở Gabon vậy. Tôi có thể chơi bóng cho Tây Ban Nha hoặc Pháp nhưng tôi muốn theo nghiệp cha”, Aubameyang kể lại.

Sau khi được ông Pierre đào tạo tại nhà, Aubameyang đã gia nhập đội bóng đầu tiên có tên L’Huisserie. Khi ấy, cậu bé còn rất nhỏ, chưa đủ hiểu sự nghiệp là gì mà chỉ biết say mê chơi bóng. Phải tới khi lên 7, Aubameyang mới mơ ước trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Sự động viên của ông Pierre là 1 trong những động lực lớn của cậu bé.

“Tôi rất nhớ một kỉ niệm khi tôi 9 tuổi. Khi đó, chúng tôi đang dẫn 1-0 nhưng tôi chưa thể ghi bàn. Tôi tìm kiếm bố tôi trong đám đông và thấy ông tôi cũng đang xem trận đấu này. Tôi tự nhủ rằng mình phải ghi bàn. Ngay ở tình huống sau đó, khi xâm nhập vòng cấm, tôi đã bật cao và ghi bàn theo kiểu xe đạp chổng ngược. Tôi sẽ không bao giờ quên bàn thắng đó và nụ cười trên gương mặt của ông và bố tôi”, Aubameyang kể lại kỉ niệm đẹp thuở thơ ấu.

Tuy nhiên, hành trình trở thành cầu thủ của Aubameyang không trải hoa hồng. Từng có thời điểm cậu bé gặp vấn đề ở đầu gối và không thể di chuyển nhanh nhẹn như thường lệ. Đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất của Aubameyang. Thậm chí, cậu bé đã từng nghĩ tới chuyện từ bỏ giấc mơ của mình. Nhưng đúng ở thời điểm đó, ông Pierre đã động viên, thậm chí tạo cơ hội để cậu con trai của mình tiếp tục sự nghiệp.

“Vì có tốc độ tốt nên tôi thường đá cánh. Mọi người đều thừa nhận tôi chạy rất nhanh. Tuy nhiên, khi lớn hơn, khoảng 15-16 tuổi, tôi chạy không tốt vì gặp vấn đề ở đầu gối. Tôi bắt đầu nản chí vì khi đó không thi đấu cho đội bóng nào cả. Tôi chỉ ở nhà và sinh ra những suy nghĩ tiêu cực.

Đó là thời điểm rất khó khăn, tôi từng nghĩ tới việc sẽ bỏ bóng đá. Nhưng sau 6 tháng, bố tôi đã gọi tôi và nói rằng ‘Con đã sẵn sàng để luyện tập với 1 đội bóng chưa?’. Tất nhiên là tôi gật đầu bởi tôi đã có nửa năm luyện tập để chờ đợi cơ hội này. Và thế là sau đó, tôi bắt đầu tập luyện cùng Bastia. Đây là CLB chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp của tôi. Nếu không có bố tôi, có lẽ tôi đã bỏ cuộc”, Aubameyang kể về sự nghiệp.

Sau khi từ giã sân cỏ, ông Pierre đã trở thành tuyển trạch viên của AC Milan. Nhờ đó, Aubameyang đã được gia nhập đội trẻ của Milan. Vào tháng 8/2007, tiền đạo này đã gây ấn tượng mạnh ở giải giao hữu trẻ tại Malaysia cùng đội trẻ Milan. Cậu bé ghi bàn trong tất cả các trận đấu và kết thúc giải đấu với 7 bàn thắng.

Tuy nhiên, để lên đội 1 AC Milan ở thời điểm đó là quá khó. Khi ấy, Milan sở hữu đội hình mạnh với rất nhiều hảo thủ. Thực tế, Aubameyang không có nổi 1 lần ra sân ở San Siro và lần lượt bị đẩy tới Pháp khoác áo nhiều CLB như Dijon, Lille, Monaco và St Etienne. Mặc dù vậy, trải nghiệm ở sân San Siro đã tạo ra những đổi thay lớn trong suy nghĩ và tư duy chơi bóng của tiền đạo này.

“Sau 2 năm tập luyện ở Bastia, tôi đã gia nhập AC Milan vào năm 2007. Khi đó, tôi đã lấy lại tốc độ nhưng còn rất trẻ và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, tại Milan, tôi đã học được cách trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi rất may mắn vì khi đó, AC Milan sở hữu rất nhiều cầu thủ lớn như Maldini, Nesta, Kaka, Seedorf hay Ronaldo. Tôi rất hổ thẹn nhưng khi xem họ thi đấu, tôi học được nhiều điều”, Aubameyang tiếp lời.

Một trong những HLV có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của Aubameyang là Christophe Galtier. Đó là thời điểm tài năng trẻ này cập bến St Etienne. Anh được đội bóng Pháp mua đứt chỉ sau 6 tháng thi đấu theo bản HĐ cho mượn từ Milan.

Aubameyang kể lại “Khi tôi gia nhập St Etienne, mọi thứ đã thay đổi. Ở đó, HLV Christophe Galtier mang lại cho tôi sự tự tin. Khi đó, tôi vẫn thi đấu theo bản HĐ cho mượn. Nhưng sau 6 tháng, St Etienne quyết định mua đứt và tôi rất vui mừng. Tôi tự nhủ rằng mình phải nỗ lực nhiều hơn để tận dụng cơ hội này”.

Thực tế, ở St Etienne, Aubameyang mất khá nhiều thời gian để thích nghi. Nhưng ngay cả vậy, anh vẫn nhận được sự tin tưởng của HLV Christophe Galtier. Nhà cầm quân này kể lại rằng “Mọi thứ khởi đầu không tốt với Aubameyang nhưng ngay ở buổi tập đầu tiên, tôi đã thấy cậu ta có thể vượt qua mọi cầu thủ với cự ly chạy tầm 60m”. Và HLV Galtier đã đúng! Aubameyang đã ghi 35 bàn trong 73 lần ra sân ở Ligue 1 kể từ khi được St Etienne mua đứt.

19 bàn thắng ghi được ở Ligue 1 mùa 2012-13 đã đưa Aubameyang tới Dortmund. Ngay ở trận ra mắt Bundesliga, anh đã trở thành tâm điểm của sự chú ý với cú hat-trick vào lưới Augsburg. Ở mùa giải sau đó, khi Lewandowski quyết định chuyển sang Bayern Munich, Aubameyang trở thành niềm hy vọng lớn nhất trên hàng công của Dortmund. Nhờ tốc độ và khả năng săn bàn nhạy bén, tiền đạo người Gabon liên tục tỏa sáng dù thi đấu qua nhiều triều đại HLV, từ Jurgen Klopp, Thomas Tuchel cho tới Peter Bosz.

Trong 4 năm rưỡi khoác áo Dortmund, Aubameyang đã ghi tới 141 bàn thắng sau 213 trận trên mọi đấu trường. Tại đây, anh từng nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Bundesliga và Vua phá lưới Bundesliga. Nhưng ở Signal Iduna Park, tiền đạo người Gabon chỉ giành 1 cúp QG và 2 siêu cúp. Vốn là cầu thủ giàu tham vọng, Aubameyang quyết định ra đi.

Đã có nhiều CLB lớn mời Aubameyang. Và trước khi quyết định, tiền đạo người Gabon lại nhớ tới người cha của mình. Sau khi lắng nghe lời khuyên của cha, Aubameyang quyết định tới Arsenal vì tin rằng đây là bến đỗ phù hợp để anh có thể phát huy ưu thế về tốc độ. Chưa kể, anh còn muốn thử sức ở giải đấu hấp dẫn số 1 thế giới.

Thực tế, Aubameyang chơi không hề tệ ở Emirates. Anh đã ghi 61 bàn thắng sau 97 lần ra sân trên mọi đấu trường. Mùa trước, tiền đạo người Gabon còn đồng sở hữu danh hiệu Chiếc giày vàng Premier League với Salah và Mane. Tuy nhiên, nó không thể đổi lấy những danh hiệu tập thể. Arsenal vẫn chưa thể giành danh hiệu nào kể từ khi có Aubameyang, thậm chí còn liên tục vắng mặt ở đấu trường Champions League.

Thất bại khiến Aubameyang buồn nhất chính là trận đấu diễn ra tại Baku cách đây gần 1 năm. Bố của Aubameyang, ông Pierre đã tới Baku cổ vũ người con trai với hy vọng sẽ được chứng kiến “công trình” của mình tỏa sáng. Nhưng đáng tiếc là Arsenal đã để thua Chelsea với tỉ số 1-4. Sau trận, ông Pierre nói rằng “Hãy tiếp tục con đường mà con lựa chọn. Con sẽ làm tốt hơn, tốt hơn thế rất nhiều”.

Nghe những lời động viên của người cha, Aubameyang rất xúc động. Có một người bố như vậy là điều tuyệt vời nhất của tiền đạo người Gabon. Anh nói “Tôi đã lắng nghe những lời khuyên của bố trong cả sự nghiệp. Khi ông nói rằng tôi có thể làm tốt hơn, tôi biết mình phải làm gì”.

Bài viết cùng chuyên mục