Andriy Shevchenko: Khi vì tinh tú tắt lịm giữa trời

Thất bại với tư cách cầu thủ ở Chelsea nhưng Andriy Shevchenko hoàn toàn có thể trở lại Stamford Bridge trên cương vị mới: huấn luyện viên.

Andriy Shevchenko ra mắt AC Milan

Hai bệ phóng

Dynamo Kiev và AC Milan chính là 2 bệ phóng cho sự nghiệp lừng lẫy của Andriy Shevchenko. Đội bóng Ukraine là điểm tựa, bệ phóng đưa Sheva đến Milan còn CLB Italia là bệ phóng đưa huyền thoại bóng đá Ukraine lên tầm thế giới.

No nê danh hiệu sau 5 năm cống hiến cho đội 1 của Dynamo Kiev (5 lần vô địch giải VĐQG Ukraine và 3 lần đoạt Cúp QG), Sheva đã rời quê nhà để đến Italia vào năm 1999. Để giành sự phục vụ của Sheva, Milan đã đánh bại hàng loạt đối thủ sừng sỏ, đồng thời phải chi 21 triệu bảng trả Dynamo Kiev.

Shevchenko đã không mất nhiều thời gian để chứng tỏ mình xứng đáng đến từng xu Milan bỏ ra. Ngay mùa đầu khoác áo Milan, Sheva đã khiến cả Serie A run sợ khi xé lưới đối thủ 24 lần (ghi 29 bàn trên mọi mặt trận) qua đó đoạt danh hiệu Vua phá lưới mùa 1999/00. Dù bùng nổ nhưng huyền thoại bóng đá Ukraine không thể giúp Milan giành chức vô địch Serie A (xếp thứ 3 chung cuộc).

Tiếp tục bùng nổ ở mùa thứ 2 khoác áo Milan (ghi 24 bàn ở Serie A 2000/01, 34 bàn trên mọi mặt trận) nhưng phải đến mùa 2002/03, Shevchenko mới lần đầu được nếm trải hương vị chiến thắng cùng đội bóng Italia. Không thành công về mặt cá nhân (chỉ ghi 10 bàn trên mọi mặt trận) nhưng đây là mùa giải Sheva đoạt cú đúp danh hiệu (vô địch Cúp QG và Champions League).

Sheva ghi 172 bàn/296 trận ở Milan

Một mùa sau đó, giới mộ điệu một lần lần nữa lại được chứng kiến phong độ đỉnh cao của Sheva. Huyền thoại bóng đá Ukraine tiếp tục bùng nổ khi ghi 24 bàn ở Serie A 2003/04, đoạt danh hiệu Vua phá lưới, qua đó giúp đội nhà giành danh hiệu Scudetto. Đây là chức vô địch Serie A duy nhất mà Sheva giành được trong sự nghiệp lừng lẫy của mình.

Năm 2004 đánh dấu một năm đáng nhớ về mặt cá nhân với Shevchenko. Không lâu sau khi đoạt danh hiệu Scudetto, Sheva đã đánh bại Deco và Ronaldinho trong cuộc đua tranh Quả bóng vàng.

Hai năm sau khi đoạt Quả bóng vàng 2004, Shevchenko đã gây sốc cho toàn thể những người yêu mến Milan: dứt áo đến Chelsea. Quyết định này là khởi đầu cho một cơn ác mộng trong sự nghiệp của huyền thoại bóng đá Ukraine.

Chelsea, Sheva hẹn gặp lại!

Mourinho từng không hề muốn mua Sheva

Hè 2006, sau hơn 1 năm “đi đêm”, ông chủ Roman Abramovich đã thuyết phục thành công Shevchenko đến London. Chelsea đã chi 30,8 triệu bảng, phá kỷ lục chuyển nhượng bóng đá Anh để lấy Sheva từ tay Milan.

Bất chấp sự níu kéo của Phó chủ tịch Milan lúc đó là Adriano Galliani, Sheva đã chuyển đến Chelsea và ký hợp đồng 4 năm vào tháng 5/2006. Sau này, ông Adriano Galliani từng cay đắng thốt lên rằng chia tay Sheva là cuộc chia ly đau đớn nhất của ông trong thời gian làm việc cho AC Milan.

Còn Chủ tịch AC Milan, Silvio Berlusconi nặng lời nói thẳng rằng Sheva “không phải là một Milanista đích thực” và là một kẻ “chỉ biết bám váy vợ”. Kristen Pazik, vợ Shevchenko chơi rất thân với Irina, vợ Abramovich vào thời điểm đó (2 người đã ly dị) và cả 2 có tác động lớn dẫn đến quyết định rời Milan đến Chelsea của Sheva.

Một tháng sau khi để lại nỗi đau khôn tả cho các Milanista, Sheva lên đường đến Đức dự kỳ World Cup đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp cùng ĐT Ukraine. Điều đáng nói, trước khi ký hợp đồng với Chelsea và dự World Cup 2006, Shevchenko đã dính một chấn thương không hề nhẹ ở trận đấu với Parma tại Serie A.

Thay vì nghỉ ngơi để hồi phục, Shevchenko đã đến Đức. Tại đây, Sheva đã ghi 2 bàn và cùng ĐT Ukraine tiến vào tứ kết. Tuy nhiên, Quả bóng vàng 2004 đã đánh mất bản năng sát thủ từ sau khi trở về từ giải đấu này.

Chấn thương cộng với việc không hợp với môi trường Premier League và triết lý của HLV Jose Mourinho khiến Sheva thất bại ngay ở mùa đầu chơi cho Chelsea (chỉ ghi 4 bàn/30 trận tại Premier League, Chelsea thất bại trong việc bảo vệ chức vô địch). Theo The Athletic, HLV người Bồ Đào Nha từng chỉ coi Sheva là lựa chọn thứ 5 trong danh sách mua sắm tiền đạo ở kỳ chuyển nhượng hè 2006. Mourinho buộc phải chiêu mộ Sheva chỉ vì sở thích cá nhân của ông chủ Roman Abramovich chứ không phải do yêu cầu chiến thuật và cựu tuyển thủ Ukraine là khởi đầu cho những mâu thuẫn giữa tỷ phú người Nga và Mou.

Kristian, con trai Sheva chơi cho đội học viện Chelsea

Sau 2 mùa thất bại ở Chelsea (ghi 9 bàn/48 trận ở Premier League, 23 bàn/77 trận trên mọi đấu trường ), Sheva trở lại Milan theo hợp đồng cho mượn, nhưng đã đánh mất cả sự tự tin lẫn bản năng săn bàn (chỉ ghi 2 bàn/26 trận).

Hè 2009, Shevchenko trở lại Dynamo Kiev đá những năm cuối sự nghiệp trước khi giải nghệ vào năm 2012 để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Bốn năm sau đó, Sheva được bổ nhiệm làm trợ lý rồi HLV trưởng ĐT Ukraine. Shevchenko đã thể hiện tài năng trên băng ghế huấn luyện khi giúp ĐT Ukraine giành vé dự VCK Euro 2020 (giải đấu dời lịch sang hè 2021).

Với tư cách cầu thủ, Shevchenko đã thất bại ở Chelsea nhưng một ngày nào đó, Sheva có thể sẽ trở lại Stamford Bridge trên cương vị mới: một huấn luyên viên. Trong bóng đá, không gì là không thể, nhất là khi Shevchenko vẫn có mối quan hệ rất tốt với ông Roman Abramovich và được cho đã lọt vào tầm ngắm của tỷ phú người Nga.

Bài viết cùng chuyên mục